Xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc: Cửa mở nhưng vẫn khó khăn

23/10/2017 12:00 - 583 lượt xem

Sau gần 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực, hàng Việt vào thị trường này vẫn khó khăn do rào cản kỹ thuật bị siết chặt.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015 với việc  Hàn Quốc cam kết cắt giảm 95,4% dòng thuế, đổi lại, Việt Nam cam kết cắt giảm gần 90% dòng thuế quan. Sau gần 2 năm, hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường này vẫn khó khăn do Hàn Quốc siết chặt hơn rào cản kỹ thuật.

Có hiệu lực gần 2 năm, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã góp phần nâng cấp quan hệ kinh tế giữa hai nước. Đặc biệt, thương mại hai chiều đã tăng gần 87 lần trong hơn 2 thập kỷ qua, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên trên 43 tỷ USD năm 2016. Trong 9 tháng năm 2017, con số này tiếp tục tăng, đạt mức trên 45 tỷ USD.

Hàn Quốc là thị trường tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng nhãn hiệu hàng hóa thuần Việt trên thị trường Hàn Quốc chưa nhiều. Hiện chỉ có sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7 có mặt tại các hệ thống phân phối lớn tại Hàn Quốc; còn một số sản phẩm như: Phở Xưa và nay, tương ớt Trung Thành, nước mắm Nam Ngư… được bán ở những hệ thống phân phối không chính thức.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, mặc dù được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng hàng nông sản Việt Nam luôn bị kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Điều này khiến nông sản Việt được nhập khẩu vào Hàn Quốc với số lượng rất hạn chế, tập trung vào một vài loại như: thanh long, dừa, xoài, ổi, chuối, cà rốt, bông cải xanh, cải thảo… Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp thì phải đạt được các tiêu chí theo giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp.

Ông Phạm Công Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần phân phối Hapro chia sẻ: Hapro rất muốn đưa các mặt hàng như tỏi bóc, cà rốt sang Hàn Quốc nhưng trong năm qua lại không xuất khẩu được sang thị trường này. Những năm trước xuất khẩu rất tốt nhưng năm vừa rồi, Hàn Quốc đã đưa ra một số rào cản gây khó nhập vào. Thực tế họ vẫn bảo hộ sản phẩm của Hàn Quốc nhiều hơn.

Những điểm yếu của nông sản Việt Nam là chưa đảm bảo tính đồng nhất về kích thước, hương vị, màu sắc, kỹ thuật đóng gói bao bì kém, chưa chọn lọc kỹ sản phẩm. Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phản ứng gay gắt nhất là tình trạng bị lẫn dị vật hoặc lẫn nhiều sản phẩm hỏng. Hiện, một số đơn vị của Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ về điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng vụ thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, người Hàn Quốc có tâm lý hàng Hàn Quốc là số một và họ luôn tự hào về những  sản phẩm do mình làm ra. Do vậy, để hàng nông sản Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp cần chú trọng và quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, thiết kế, bao bì, hợp tác và tham gia vào chuỗi giá trị của các nhà phân phối lớn đang chi phối thị trường Hàn Quốc.

Mỗi sản phẩm có 3 yếu tố, điều quan trọng đầu tiên là chất lượng sản phẩm, nếu chất lượng không tốt thì không thể bán được. Thứ 2 liên quan trực tiếp đến giá cả hàng hóa, thứ 3 đó là thiết kế bao bì, mẫu mã gắn chặt với văn hóa tiêu dùng, ông Hải lưu ý.

Một số chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cách duy nhất để đẩy mạnh xuất khẩu vào Hàn Quốc là các doanh nghiệp phải nhanh chóng tiếp cận các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới công nghệ, tuân thủ đúng các quy trình chế biến, sản xuất để vượt qua các rào cản kỹ thuật của phía bạn. Khi vận dụng Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp cần lưu ý nghiên cứu và chuẩn bị thật kỹ các thủ tục giấy tờ như giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ C/O.

Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty luật SB Law cho rằng, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thị trường thật bài bản, đánh giá thị trường, đảm bảo khung pháp lý khi vào làm ăn. Cần có một đối tác bền vững về mặt pháp lý; phải thẩm tra pháp lý của đối tác làm ăn, hợp tác cùng. Cùng với đó là kiểm tra nhãn hiệu bao bì có đáp ứng tiêu chuẩn của nước sở tại không, có vi phạm nhãn hiệu nào đã tồn tại trước đó tại Hàn Quốc hay không./.

Hiện, có khoảng 6.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư hoạt động kinh doanh vào Việt Nam, chủ yếu ở các lĩnh vực: thiết bị điện tử, dệt may. Để tận dụng tối đa cơ hội từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Chính phủ hai bên cần thông tin đầy đủ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần tích cực chủ động tìm hiểu kỹ về Hiệp định thương mại tự do này để có thể nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên sang Hàn Quốc để khảo sát thị trường nhằm tiếp cận người tiêu dùng tại đây./.
Nguồn: vov.vn
Quảng cáo sản phẩm