Xuất khẩu vào Trung Đông: Doanh nghiệp cần chú ý tập quán kinh doanh

13/10/2008 10:15 - 1795 lượt xem

Đó là lời khuyên của các chuyên gia Bộ Công thương đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn thâm nhập vào Trung Đông, khu vực đang được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Sau nhiều năm làm tham tán thương mại tại khu vực Trung Đông, ông Nguyễn Công Hiến Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) rút ra một kinh nghiệm quan trọng khi tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam có ý định làm ăn tại khu vực này là cần đặc biệt chú ý tới tập quán kinh doanh của đối tác. “Bạn sẽ phản ứng như thế nào khi đối tác trễ hẹn nửa tiếng đồng hồ mà vẫn tươi cười và không nói xin lỗi? Bạn sẽ nghĩ sao khi đang đàm phán hợp đồng thì đối tác lại xin phép nghỉ để đi lễ và khi họ quay trở lại bạn sẽ phải nói lại từ đầu?”, ông Hiến đặt câu hỏi khá lạ như vậy tại Hội thảo xuất khẩu vào thị trường Trung Đông do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Theo ông Hiến, đó là những tình huống hết sức bình thường tại nhiều quốc gia Trung Đông mà các doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn sẽ gặp phải. Do đó, khi có ý định xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Đông, doanh nghiệp cần đặc biệt dành thời gian nghiên cứu tập quán kinh doanh và tập quán văn hóa tại đây. “Từng thị trường cụ thể thì doanh nghiệp phải có cách thích nghi cụ thể. Ví như ở Ả rập Xê út, Iran, Israel thì hình thức thanh toán chủ yếu là dùng L/C, nhưng ở Thổ Nhĩ Kỳ, các doanh nghiệp lại ưa chuộng hình thức thanh toán trả chậm (D/P). Hay như xuất khẩu vào Iran thì các doanh nghiệp không nên dùng USD để làm phương tiện thanh toán, mà tốt nhất sử dụng euro”, ông Hiến đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp.
 
Hàng hóa xuất khẩu sang khu vực này cũng phải chú ý tới những chi tiết cụ thể. Đơn cử, với hàng hóa xuất sang Ả rập Xê út, bao bì phải đề bằng tiếng Ả rập. Nếu có ý định xuất khẩu mặt hàng gia cầm giết mổ vào đây, thì các doanh nghiệp cần được chuyên gia nước bạn tham vấn bởi quy trình chế biến mặt hàng này tại đây rất khác biệt.
 
Chuyên gia của Bộ Công thương cũng khuyên các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ phải đặc biệt lưu ý tới hệ thống thuế chống phá giá đã được xây dựng rất tinh vi của nước này. Khi gặp gỡ sau hội thảo tại Israel, các doanh nghiệp nước này rất thích gặp riêng từng doanh nghiệp, bởi họ không muốn nội dung cuộc đàm phán hay trò chuyện bị các doanh nghiệp khác biết.
 
Còn theo ông Đỗ Tuấn Phong, Phó chánh văn phòng Cục Xúc tiến thương mại, khi muốn làm ăn với các doanh nghiệp Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), doanh nghiệp Việt Nam nên chọn thời điểm từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau để khảo sát thị trường. Danh sách các mặt hàng miễn thuế hoặc giảm thuế sẽ được cơ quan hải quan nước này công bố hàng năm. Do đó, các doanh nghiệp cần liên hệ với thương vụ tại UAE để cập nhật được danh sách mới nhất.
 
“Mặc dù có nhiều tập quán kinh doanh và tập quán văn hóa khác nhau nhưng Trung Đông là khu vực xuất khẩu tiềm năng và là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp cần kiên trì đeo bám để có được cơ hội tốt nhất cho mình”, ông Hiến nói.
 
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2007, quan hệ buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông đạt khoảng 1,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 700 triệu USD. Đây là một thị trường tương đối dễ tính về chất lượng hàng hóa và có mức thuế xuất nhập khẩu rất thấp (từ 0 đến 5%). Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác thị trường này để đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng gạo, cà phê, dệt may, máy tính, linh kiện điện tử, giày dép, hải sản, sợi các loại, cao su, chè, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt tiêu… Tuy nhiên, một điều mà các doanh nghiệp cần chú ý là phải thực hiện đúng các điều kiện cam kết trong hợp đồng mà hai bên đã ký thì mới có thể làm ăn lâu dài ở đây.

Nguồn: Báo Thương mại
Quảng cáo sản phẩm