Yêu cầu của thị trường là động lực để doanh nghiệp xuất khẩu thay đổi

02/08/2019 12:00 - 441 lượt xem

Dù các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng nông sản, thủy sản khi xuất khẩu sang EU đòi hỏi rất cao nhưng nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu của thị trường là động lực để doanh nghiệp (DN) thay đổi và DN coi đây là mục tiêu để vượt qua.

Cơ hội mở thị trường cho rau quả, cá tra

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thực thi 1 năm có thể giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 10-20% so với hiện tại. Đáng chú ý, trong số các ngành hàng chủ lực gồm dệt may, da giày thì nông thủy sản cũng được nhận định sẽ hưởng lợi nhiều từ FTA này.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - đánh giá: Lâu nay việc xuất khẩu rau quả đi EU vẫn còn khá khiêm tốn do thuế nhập khẩu tại EU khá cao, cùng với đó là những tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật rất khắt khe.

Cụ thể, trong 3 năm trở lại đây khi ngành hàng rau củ có mức tăng trưởng kim ngạch cao ở nhiều thị trường thì riêng EU vẫn đạt con số khiêm tốn. Theo đó, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu rau quả vào EU đạt trên 94 triệu USD trong tổng kim ngạch 2,4 tỷ USD của toàn ngành. Năm 2017 ở mức 107 triệu USD (toàn ngành 3,5 tỷ USD). Năm 2018 dù có cải thiện nhưng mới đạt 116 triệu USD trên tổng kim ngạch 3,8 tỷ USD. Và trong 6 tháng đầu năm nay, dù xuất khẩu rau quả đã đạt trên 2 tỷ USD thì tỷ lệ vào EU mới là 78 triệu USD.

“Khi EVFTA được ký kết và dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2020 sẽ mở ra những thuận lợi lớn cho ngành hàng rau quả bởi DN sẽ tận dụng lợi thế về thuế quan để phát triển thị trường, đồng thời tăng đầu tư cải thiện công nghệ chế biến, nâng chất cho sản phẩm”, ông Nguyên cho biết.

Với mặt hàng cá tra, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn - cho biết: Trước đây cá tra xuất khẩu đi EU nhiều nhưng sau một số năm thị trường này đi xuống (do truyền thông một số thị trường EU cố ý bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam, gây ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng). Thêm vào đó, thuế xuất khẩu vào EU cho mặt hàng cá tra đang ở mức 5,5% nên khi EVFTA có hiệu lực mức thuế về 0% sẽ giúp giá cá tra cạnh tranh hơn so với các loại cá trắng khác ở thị trường EU. “Tôi cho rằng EVFTA sẽ là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam khôi phục lại giá trị 500 triệu USD ở thị trường EU trong 2-3 năm tới, thay vì chỉ ở mức 300 triệu USD như hiện nay”, bà Tâm dự báo.

Yêu cầu cao cũng là động lực tốt để DN thay đổi

Chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/7, các chuyên gia đến từ EU cảnh báo: Việt Nam cần tăng giá trị, thương hiệu cho sản phẩm và phải có quy trình xử lý, chế hiến sâu hơn để tạo ra giá trị cao hơn. Để làm được, DN phải có vùng nguyên liệu đảm bảo không có dư lượng hóa chất, xây dựng nông trại, vùng sản xuất được kiểm soát chặt chẽ. Cùng với các tiêu chuẩn trên thì việc phải đáp ứng tiêu chuẩn lao động quốc tế cũng được cho thách thức không hề nhỏ đối với các DN Việt Nam, đặc biệt là DN quy mô nhỏ.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cho rằng, yêu cầu của thị trường là động lực để DN thay đổi và Vĩnh Hoàn không coi tiêu chuẩn là rào cản mà là mục tiêu để vượt qua. Theo đó, Vĩnh Hoàn đã chủ động được 50% nguyên liệu chế biến và liên kết với các hộ nuôi để có nguyên liệu đạt tiêu chuẩn của chuỗi sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường.

Nguồn: Báo Công Thương
 
Quảng cáo sản phẩm