Các biện pháp phòng vệ TMQT và các Nền kinh tế phi thị trường: Bài học từ vụ kiện CVD đầu tiên của Mỹ đối với Trung Quốc

19/11/2009 12:00 - 1983 lượt xem

Longyue Zhao và Yan Wang

Tư vấn và chuyên gia kinh tế học cao cấp của Ngân hàng thế giới(WB). Đây là ấn phẩm của Bộ phận quản lý kinh tế và xóa đói giảm nghèo thuộc WB – một nỗ lực đáng kể của WB trong việc phát triển và tổng hợp tài liệu nhằm nâng cao năng lực xây dựng chính sách thương mại và WTO. Ban tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành tới ông Roumeen Islam, ông Gianni Zanini, ông Will Martin, ông Bert Hofman, ông Louis Kuijs, ông John Jackson (Georgetown U), ông Zhi Wang (US ITC) và các đại biểu tham dự cuộc họp của Bộ thương mại ngày 16/08/2007 về những ý kiến đóng góp và sự ủng hộ nhiệt thành. Chúng tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn tới ông Bintao Wang đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu và ông Mark Stratman (Georgetown U) đã biên tập ấn phẩm này. Ấn phẩm là do riêng ban tác giả nghiên cứu và soạn thảo, hoàn toàn không thể hiện quan điểm của WB.

Lời mở đầu

Năm 2007, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USDOC) tiến hành sửa đổi luật điều chỉnh thuế chống trợ cấp vốn đã tồn tại từ rất lâu tại Mỹ. Theo luật cũ qui định, nước Mỹ không áp dụng thuế chống trợ cấp hay thuế đối kháng (CVD) đối với các nền kinh tế phi thị trường (NMEs). Sự điều chỉnh này đã châm ngòi cho 8 cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này đã làm nóng các cuộc tranh luận xung quanh chính sách về các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế và vấn đề nền kinh tế phi thị trường.

Các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế cơ bản bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ. Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho phép các quốc gia thực hiện các biện pháp đối phó với hàng nhập khẩu từ quốc gia khác nếu chứng minh được hàng nhập khẩu có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng do hành vi thương mại không bình đẳng. Cho tới nay, chống bán phá giá được sử dụng nhiều nhất trong các tranh chấp thương mại quốc tế. Thuế chống trợ cấp hay thuế đối kháng ít phổ biến hơn. Theo số liệu báo cáo gửi WTO từ các quốc gia thành viên, từ ngày 01/01/19950 tới 31/12/2006 có 3048 cuộc khởi xướng điều tra chống bán phá giá và 191 cuộc khởi xướng điều tra chống trợ cấp (Xem bảng 1)

Kể từ năm 1981, Mỹ đã không áp dụng thuế đối kháng đối với Trung Quốc do Trung Quốc được coi là “nền kinh tế phi thị trường". Điều này được qui định trong 2 nguyên tắc được bổ sung sửa đổi năm 1984 và được Tòa án tối cao liên bang thông qua. Ngày 21/11/2006, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố quyết định tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng giấy (coated free sheet paper) nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định đã làm thay đổi tiền lệ vốn tồn tại từ lâu tại Hoa Kỳ, đó là những nền kinh tế phi thị trường không là đối tượng điều tra chống trợ cấp của Mỹ, căn cứ trên cơ sở cho rằng mức trợ cấp không thể xác định một cách chính xác.

Trong vụ kiện giấy, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tìm được bằng chứng cho thấy chính phủ Trung Quốc có trợ cấp nhưng Ủy ban thương mại quốc tế (USITC) đã không chứng minh được có thiệt hại nghiêm trọng. Do vậy, vụ kiện đầu tiên kết thúc tháng 11/2007 mà không dẫn tới việc áp thuế chống trợ cấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thay đổi trong chính sách của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã mở ra cánh cửa cho nhiều vụ kiện chống trợ cấp đối với hàng hóa Trung Quốc. Tính tới cuối năm 2007, đã có 8 vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và dự kiến con số này còn tiếp tục tăng lên trong giai đoạn tiếp theo (Xem bảng 2)

Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách tại các nước đang phát triển cho rằng các biện pháp chống bán phá giá là công cụ hữu hiệu mà chính phủ các quốc gia muốn bảo vệ ngành sản xuất nội địa.Các biện pháp đối kháng ngày càng được quan tâm cũng như là dễ dàng bị lạm dụng do các quy định điều chỉnh vấn đề này còn mập mờ. Việc phát triển và thủ tục quản lý trong sử dụng các biện pháp trợ cấp là một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với việc xây dựng các nguyên tắc và chính sách kinh tế quốc tế. Trên thực tế, cả biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đều rất tốn kém và không hiệu quả, những phần tiếp theo sẽ minh họa điều này.

Việc Hoa Kỳ thay đổi chính sách về chống trợ cấp gây ảnh hưởng lớn tới chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, Việt Nam và các nền kinh tế phi thị trường khác. Các nước đang phát triển có thể quan ngại về các vấn đề kỹ thuật: Làm thế nào để phân biệt chính sách phát triển công nghiệp hợp pháp với trợ cấp thương mại bóp méo trong nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển? Liệu các chính sách của Hoa Kỳ về các vụ kiện thương mại quốc tế có phù hợp với cam kết WTO và hiệp định trong WTO? Việc Mỹ thay đổi luật chống trợ cấp đối với các nền kinh tế phi thị trường gây ra những ảnh hưởng gì? Làm thế nào để làm rõ các nguyên tắc về chống bán phá giá, trợ cấp và vấn đề nền kinh tế phi thị trường trong các vòng đàm phán WTO?

Nghiên cứu này hi vọng sẽ lý giải được những câu hỏi nêu ra ở trên thông qua rà soát lại khía cạnh kinh tế học của trợ cấp, các qui định của WTO về các biện pháp chống trợ cấp và đối kháng, luật pháp Mỹ qui định về chống bán phá giá và chống trợ cấp, các tiêu chí xác định trợ cấp tại nền kinh tế phi thị trường. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên đối với mặt hàng giấy nhập khẩu từ Trung Quốc; phân tích ảnh hưởng của việc Mỹ thay đổi chính sách thương mại đối với Trung Quốc và các nền kinh tế chuyển đổi khác.

Nghiên cứu gồm các phần sau: Phần I: Lời mở đầu. Phần II: Tổng quan về khái niệm và phân loại trợ cấp theo Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO (SCM). Phần III: Tác động kinh tế của trợ cấp và thuế đối kháng. Phần IV: Vấn đề nền kinh tế phi thị trường theo GATT/WTO, so sánh tiêu chuẩn nền kinh tế thị trường giữa Mỹ và EU. Phần V: Quy định của pháp luật Mỹ về các vụ kiện thương mại quốc tế đối với nền kinh tế phi thị trường. Phần VI: Phân tích cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đầu tiên của Mỹ đối với mặt hàng giấy CFSP nhập khẩu từ Trung Quốc, thảo luận những vấn đề chính mà hai bên chưa thống nhất và những ảnh hưởng tới chính sách công của Trung Quốc. Phần này cũng đánh giá sơ bộ về các trợ cấp liên quan của chính phủ Trung Quốc đồng thời đưa ra những thách thức đối với Trung Quốc, Việt Nam và các nền kinh tế phi thị trường khác. Theo nghiên cứu, các nước nên điều chỉnh chính sách phát triển nội địa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và phù hợp với các nguyên tắc của WTO đồng thời phải thấy rõ tầm quan trọng của việc lảm rõ khái niệm kinh tế phi thị trường theo WTO và đặc biệt chú ý tới các cuộc đàm phán về nguyên tắc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế trong vòng đàm phán Doha.

Quảng cáo sản phẩm