Thép Việt trong xu hướng gia tăng điều tra phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu: Nguyên nhân và các giải pháp

14/04/2021 12:00 - 182 lượt xem

Khi số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) khởi xướng đối với hàng hóa Việt Nam có xu hướng gia tăng, thì số lượng các vụ việc PVTM khởi xướng đối với sản phẩm thép cũng có mức tăng tương ứng. Trên thực tế, tính đến nay, sản phẩm thép vẫn là sản phẩm thuộc đối tượng điều tra nhiều nhất, chiếm hơn 40% các vụ việc, tiếp theo là sản phẩm sợi (12%); sản phẩm cao su (trên 6%); máy móc thiết bị (6%) ... 

Việc sản phẩm thép bị điều tra PVTM nhiều nhất xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, bao gồm nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên có thể kể tới như sau:

Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan:

(i) Các nước có quyết tâm phát triển ngành sản xuất nội địa: Cụ thể, thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất nội địa, nên nhìn chung chính sách của đa số các nước đều cố gắng bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất thép trong nước để nâng cao giá trị gia tang mà nền kinh tế tạo ra và có thêm việc làm cho người lao động;

(ii) Thép là mặt hàng đa dạng, phong phú nhiều chủng loại, tính ứng dụng rộng rãi, nên khả năng một hoặc một nhóm sản phẩm trong số hàng ngàn chủng loại sản phẩm thép trở thành đối tượng của các vụ kiện là rất cao;

(iii) Thép là đối tượng của nhiều vụ việc PVTM trên thế giới, nên các sản phẩm xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam có nhiều khả năng bị các nước chú ý điều tra để tránh hiện tượng lẩn tránh thuế;

(iv) Ngoài ra, cùng với việc Việt Nam ký kết một loạt các FTA song phương, đa phương, thế hệ mới và mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình;

(v) Xu hướng kiện chùm, kiện Domino: Các nước thường có xu hướng kiện nhiều nước (các nước có thị phần xuất khẩu lớn vào nước điều tra, hoặc các nước nghi ngờ có sự chuyển tải hàng hóa nhằm lẩn tránh thuế, hoặc các nước đặt trụ sở công ty mẹ-con). Việt Nam thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ… (là các nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới). Do đó, khi có sự nghi ngờ, cáo buộc với một trong số các nước nêu trên, cơ quan điều tra nước nhập khẩu thường có xu hướng kiện cả Việt Nam. Ngoài ra, việc Việt Nam đã bị một nước điều tra có thể dẫn tới hiệu ứng Domino, tức là các nước khác cũng tiếp tục kiện Việt Nam với cùng sản phẩm.

Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan:

(i) Sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam có giá thành tương đối cạnh tranh do nhiều nguyên nhân khác nhau như chi phí nhân công rẻ, các doanh nghiệp đang dần dần tự sản xuất nguyên liệu đầu vào thép cán nóng… đe dọa lợi nhuận của doanh nghiệp nước sở tại;

(ii) Hệ thống sổ sách kế toán của một số doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thép nói riêng còn chưa chuyên nghiệp, có những điểm chưa tương đồng với chuẩn mực quốc tế, do đó trong quá trình kháng kiện, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều bất lợi. Hơn nữa, một vụ việc bị áp thuế thường sẽ tạo tiền lệ xấu cho các vụ việc sau, thậm chí một số nước sử dụng các quyết định áp thuế của các nước khác đối với một sản phẩm để làm cơ sở khởi xướng, điều tra với cùng sản phẩm đó.

(iii) Mặc dù trong những năm trước đây sản phẩm thép đã bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM nhiều, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam tiếp tục tăng, sản phẩm thép của Việt Nam tiếp tục tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau, làm gia tăng nguy cơ bị khiếu kiện PVTM. 

(iv) Mặc dù hiểu biết của Hiệp hội thép, doanh nghiệp thép về PVTM đã được củng cố trong những năm vừa qua, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về khả năng dự đoán, nắm bắt thông tin sớm.

Nếu như trước đây, doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa có nhận thức đầy đủ về các vụ việc PVTM, thì trong khoảng 5 năm gần đây, với các nỗ lực của Chính phủ, Hiệp hội thép Việt Nam thì nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu thép đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp thép đã coi việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ là một hoạt động tất yếu trong thương mại quốc tế, do đó một số doanh nghiệp đã xây dựng phòng ban, đội ngũ nhân sự chuyên môn hóa cho việc xử lý các vụ việc PVTM.

Trên thực tế, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngoài việc phải đối diện với khó khăn do số lượng vụ việc gia tăng còn đang đối diện nhiều khó khăn hơn trong việc xử lý các vụ việc PVTM do các vụ việc ngày càng có tính chất phức tạp hơn, các nước ngày càng đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn như yêu cầu cung cấp thông tin rất chi tiết, hạn chế thời gian trả lời bản câu hỏi, mở rộng điều tra nhiều đối tượng… Đặc biệt trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, một số vụ việc cơ quan điều tra nước ngoài cáo buộc rằng nền kinh tế Việt Nam chưa hoàn toàn hoạt động theo nguyên tắc thị trường (nền kinh tế thị trường), hay ngành thép chưa vận hành đầy đủ theo cơ chế kinh tế thị trường (ví dụ trong vụ việc Ca-na-đa điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cốt bê tông, cơ quan điều tra điều tra về cáo buộc vấn đề tình hình thị trường đặc biệt trong lĩnh vực thép cốt bê tông khiến cho giá thành thép cốt bê tông bị “bóp méo”). Điều này khiến biên độ bán phá giá bị đẩy lên cao, không phản ánh đúng thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện PVTM, trong đó có mặt hàng thép là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh. Đây là những vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp đã lường trước. Bên cạnh đó, xu thế gia tăng các vụ việc PVTM còn từ một số nguyên nhân như kinh tế suy thoái, tác động của đại dịch Covid, xu thế bảo hộ gia tăng tại một số thị trường. Có thể nêu sự gia tăng điều tra PVTM năm 2020 là một ví dụ điển hình. Năm 2020 là năm xảy ra Đại dịch Covid 19, nhiều nước tiến hành phong tỏa, giãn cách diện rộng, hoạt động thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp phải tiến hành trực tuyến thay vì trực tiếp đến doanh nghiệp thẩm tra, tuy nhiên có số lượng vụ việc không những không có dấu hiệu giảm mà còn gia tăng đột biến (39 vụ việc trong đó 16 vụ việc liên quan sản phẩm thép).

Trong bối cảnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác kháng kiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Hiệp hội, doanh nghiệp, thậm chí là cả đối tác nhập khẩu. Chính phủ và doanh nghiệp đã và đang đồng hành, cùng xây dựng các giải pháp để ứng phó với tình trạng nêu trên. Cục PVTM cho rằng có một số giải pháp mấu chốt giúp Việt Nam phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các vụ kiện PVTM trong tương lai ở cả góc độ quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc quan trọng là phải tiếp tục gia tăng tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về PVTM. Hiện nay, các doanh nghiệp lớn đều đã có kiến thức về vấn đề này song doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có hiểu biết nhiều. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ động cung cấp thông tin để các doanh nghiệp nâng cao kiến thức, không bị động khi một vụ việc xảy ra. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi thông tin, cập nhật số liệu nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu có giải pháp phòng ngừa vụ việc. Công tác phối hợp giữa các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước, kể cả hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài, với hiệp hội, ngành hàng cũng sẽ được đẩy mạnh.

Thứ hai, trong trường hợp có vụ kiện PVTM xảy ra, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tham gia, xử lý, hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị áp dụng những thông tin bất lợi. Hơn nữa doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để được hỗ trợ kịp thời. Trong nhiều vụ việc, đặc biệt là các vụ việc chống trợ cấp, cần có sự hợp tác giữa Cục PVTM, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin đầy đủ, chuẩn xác cho cơ quan điều tra, đáp ứng đúng quy định của cơ quan điều tra, hợp tác đầy đủ và theo sát từng vụ việc, kịp thời có ý kiến bình luận để bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu, giám sát việc cơ quan điều tra tuân thủ các quy định WTO trong quá trình điều tra để xem xét khả năng khiếu nại ở WTO trong trường hợp cần thiết. Trong thời gian gần đây, trong một số trường hợp, doanh nghiệp đã chủ động cung cấp cho Cục PVTM thông tin về khả năng bị kiện, từ đó phối hợp với Cục PVTM tìm hiểu thông tin chính thức từ các cơ quan liên quan.

Thứ ba, Cục PVTM khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo dõi sát thông tin, thường xuyên trao đổi với đối tác nhập khẩu, kể cả là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc, hoặc đề nghị nhà nhập khẩu bình luận, bày tỏ ý kiến được cơ quan điều tra xem xét….

Thứ tư, doanh nghiệp cũng cần cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tránh xuất khẩu quá tập trung vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro bị điều tra, áp thuế, đặc biệt khi bị áp thuế cao doanh nghiệp sẽ có thể mất thị trường xuất khẩu.

Cuối cùng, Cục PVTM đặc biệt khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao tính chuyên nghiệp hơn nữa trong hệ thống sổ sách kế toán của các doanh nghiệp, dần tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế, quản trị hệ thống sổ sách trên phần mềm quản lý hệ thống để tránh sai lệch trong số liệu, đạt hiệu quả kháng kiện cao hơn nữa.

Mặc dù số lượng vụ việc khởi kiện PVTM hiện nay tăng nhanh nhưng việc xử lý, ứng phó đã dần đạt nhiều kết quả tích cực, giúp doanh nghiệp Việt Nam không bị áp thuế hoặc áp thuế thấp, giảm thiểu tác động tiêu cực tới xuất khẩu của ta. Thậm chí trong một số trường hợp, các doanh nghiệp còn tận dụng được mức thuế PVTM thấp để tăng trưởng xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối các Bộ ngành và Hiệp hội liên quan, trong đó có Hiệp hội Thép để thực hiện nhiệm vụ kháng kiện, tiến hành trao đổi song phương với các cơ quan cùng cấp tại các nước nhập khẩu, yêu cầu các quốc gia tuân thủ quy định của WTO cũng như các điều khoản ký kết trong các Hiệp định FTA khi áp dụng các biện pháp PVTM để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam ứng phó kịp thời với các vụ kiện PVTM do nước ngoài khởi xướng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp trong nước./.
 
Quảng cáo sản phẩm