ASEAN hội nhập: Hàng nghìn dòng thuế của Việt Nam về 0%

06/01/2015 12:00 - 714 lượt xem

Có khoảng 90% số dòng thuế của biểu ATIGA có mức thuế suất 0% và 97% số dòng thuế có mức 0% vào năm 2018.

Để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015-2018 từ đầu năm2015, Việt Nam sẽ cắt giảm thêm 1.715 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0%.

Theo đó,có khoảng 90% số dòng thuế của biểu ATIGA có mức thuế suất 0%và 97% số dòng thuế có mức0% vào năm 2018.

Cụ thể từ năm 2015, ASEAN sẽ có hiệp định thương mại hàng hóa với nhiều nước gồm: ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Trung Quốc và ASEAN- Ấn Độ, ASEAN-ÚC và New Zealand...

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA): 3691 dòng thuế về 0%

Biểu thuế ASEAN-Trung Quốc mới ban hành gồm toàn bộ các mặt hàng Việt Nam cam kết cắt giảm theo Hiệp định gồm 9.491 dòng thuế trong đó có 9.454 dòng thuế 8 số và 37 dòng thuế được chi tiết ở cấp quốc gia 10 số.

Thuế suất ASEAN-Trung Quốc được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết trongcác Hiệp định và Biên bản ghi nhớ giữa ASEAN - Trung Quốc và Việt Nam - Trung Quốc.Thuế suất trung bình của biểu thuế ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2015-2017 là 2,26%/năm và năm 2018 là 1,67%/năm.

Thuế suất trung bình giai đoạn 2015-2017 giảm 2,15% so với năm 2014 do năm 2015 là thời điểm tất cả các mặt hàng theo danh mục thông thường (trừ danh mục linh hoạt đã được thống nhất trước) phải cắt giảm về 0% và các mặt hàng trong danh mục nhạy cảm phải cắt giảm xuống 20% theo như cam kết của Việt Nam trong Hiệp định.

Năm 2018, Việt Nam phải cắt giảm thuế suất của tất cả các mặt hàng theo danh mục thông thường về 0% và danh mục nhạy cảm cao về 50%.

Đến năm 2015, mức thuế suất trong biểu ASEAN-Trung Quốc có 3.691 dòng thuế giảm thuế suất xuống 0% so với năm 2014 (nâng số dòng thuế cắt giảm về 0% là 84,11%), tập trung vào các nhóm mặt hàng: Dầu mỡ động thực vật, chất dẻo và chất dẻo nguyên liệu, đồ nội thất và các sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, máy vi tính và các sản phẩm linh kiện điện tử, vải may mặc, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, sản phẩm dệt may và 1 số sản phẩm sắt thép.

Thuế suất 2016, 2017 giữ nguyên so với năm 2015.

Năm 2018, có 588 dòng thuế giảm thuế suất xuống 0% so với năm 2015-2017 là các dòng thuộc danh mục linh hoạt đã được thống nhất từ trước theo Hiệp định (nâng số dòng thuế cắt giảm về 0% là 90,3%) .

Hàng hóa nhập khẩu để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo ACFTA cần đáp ứng yêu cầu về xuất xứ theo quy định của Bộ Công Thương và thuộc danh sách nước được hưởng ưu đãi quy định.

Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA): Xóa bỏ toàn bộ thuế quan các mặt hàng thông thường.

Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2015-2018 là thời điểm quan trọng khi thuế suất thuế nhập khẩu trong AKFTA cam kết cắt giảm sâu, khoảng xấp xỉ 86% số dòng thuế đạt đến lộ trình cam kết cuối cùng về xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm 2018.

Biểu thuế AKFTA bao gồm toàn bộ các mặt hàng Việt Nam cam kết cắt giảm trong AKFTA trên cơ sở Danh mục hàng hóa Việt Nam năm 2012 gồm 9.503 dòng thuế.

Thuế suất trung bình của biểu thuế AKFTA giai đoạn 2012-2014 là 6,07%. Đến giai đoạn 2015-2018, mức thuế suất trung bình giảm còn 1,92%.

Mức thuế suất trung bình giai đoạn 2015-2018 giảm so với giai đoạn 2012-2014 chủ yếu do toàn bộ những mặt hàng thuộc danh mục thông thường được xóa bỏ thuế quan vào năm 2015.

Chỉ một số dòng được linh hoạt đến năm 2016 và 2018 (với 340 dòng thuế cắt giảm thuế suất về 0% vào năm 2016 và 478 dòng thuế cắt giảm về 0% vào năm 2018).

Nhóm mặt hàng linh hoạt này gồm: Nhóm nông nghiệp (thủy sản, thịt gà, bánh kẹo, sữa và chế phẩm sữa, dầu mỡ động thực vật, rau quả...), nhóm công nghiệp (dệt may, hóa chất, máy móc thiết bị, nhựa, giấy, sản phẩm kim loại cơ bản, vật liệu xây dựng...).

Các mặt hàng nhạy cảm trong AKFTA bắt đầu có nghĩa vụ giảm thuế trong giai đoạn 2015-2018, cụ thể là có mức thuế suất 20% vào năm 2017 và 2018 (trên 600 dòng thuế ở cấp 8 hoặc 10 số). Đây là các mặt hàng như: Sản phẩm hóa dầu, vật liệu xây dựng, giấy, vải, sắt thép, linh kiện, phụ tùng ô tô...

Ngoài ra, một số mặt hàng nhạy cảm cao như ô tô nguyên chiếc, một số mặt hàng sắt thép, thuốc lá... không có nghĩa vụ cắt giảm thuế quan trong AKFTA giai đoạn 2015-2018.

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AIFTA): Xóa bỏ và cắt giảm gần 6772 dòng thuế.

Theo cam kết Hiệp định, Việt Nam phải cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với 6772 dòng trên tổng số 9558 dòng của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành.

Thuế suất trung bình của biểu thuế ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018 là 7,38%/năm, giảm 2,15% so với năm 2014; giai đoạn 2015-2017 giảm theo lộ trình cắt giảm đã cam kết đối với tất cả các mặt hàng cam kết cắt giảm hoặc xóa bỏ.

Đặc biệt năm 2018 là thời điểm xóa bỏ thuế một phần danh mục thông thường theo như cam kết của Việt Nam trong Hiệp định.

Các mặt hàng giảm thuế chủ yếu nằm ở các nhóm: Bánh kẹo, bông, chè, cà phê, cao su, phân bón, thủy sản, thức ăn gia súc, hàng rau quả, giấy, gỗ, linh kiện phụ tùng, phương tiện vận tải, chất dẻo, hóa chất, dầu mỏ, sắt thép, máy móc thiết bị…

Thuế suất bình quân AIFTA qua các năm 2015-2018 tương ứng như sau: 10,22%; 8.36%; 7,44%; 6,94%; thấp hơn so với mức thuế suất bình quân MFN 2014 10,42%.

Nguồn: NDH
Quảng cáo sản phẩm