“Bão” kiện - sức ép khi hội nhập

08/09/2017 12:00 - 12585 lượt xem

(HQ Online)- Mở cửa, hội nhập khiến công cụ hỗ trợ về thuế sẽ không còn nhiều “đất dụng võ” để hỗ trợ DN. Thay vào đó, công vụ phòng vệ thương mại (PVTM) được coi là van an toàn cuối cùng để bảo vệ DN, ngành sản xuất trong nước. Khi làn sóng kiện của các nước ngày càng gia tăng, việc chủ động ứng phó sẽ giúp cho DN Việt Nam hạn chế tối đa sức ép cạnh tranh.

Bị kiện nhiều nhưng "tự vệ" còn yếu

Trên website của mình, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) liên tiếp phát đi thông báo về việc các nước điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp… đối với các sản phẩm XK của Việt Nam. Đây là những thông báo mà có lẽ DN Việt Nam đã dần quen, bởi xu hướng kiện của các nước đã trở nên thường xuyên hơn khi họ coi đó là công cụ để bảo vệ sản xuất trong nước.
Có thể thấy, các mặt hàng Việt Nam bị kiện rất phong phú, đa dạng. Từ những sản phẩm XK nhiều, quen thuộc như tôm, sắt thép, sợi cho đến những mặt hàng không phổ biến như vôi sống, tháp gió, tủ đựng dụng cụ đều bị “vướng” kiện tụng. Đáng chú ý, không chỉ thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc mới sử dụng công cụ này mà xu hướng kiện đã rất phát triển ở cả những thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cho đến nay đã có khoảng 100 vụ điều tra PVTM (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) đối với hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, ở Việt Nam, con số này còn khá khiêm tốn mặc dù pháp luật về PVTM ở Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định. Cụ thể, số vụ kiện mà Việt Nam sử dụng mới chỉ dừng ở con số 10 và chủ yếu tập trung vào biện pháp tự vệ (chỉ riêng mặt hàng thép đã chiếm một nửa).
 
Nhân sự để thực hiện công tác PVTM ở Việt Nam hiện nay được cho là còn thiếu. Để thực hiện Nghị định 98 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công Thương, Bộ này đã cấu còn 30 đầu mối, giảm 5 đầu mối so với Nghị định cũ. Đáng chú ý, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ chia thành hai đơn vị: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Phòng vệ thương mại.
 
Phải chăng do năng lực của cơ quan thực thi kém hay do chính DN chưa quan tâm?

Trong rất nhiều hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực PVTM đều thừa nhận, có một phần lỗi thuộc về DN. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã từng đưa ra con số khảo sát về mức độ hiểu biết của DN về PVTM ở Việt Nam đối với hàng hoá nước ngoài để chứng minh cho điều đó. Con số khảo sát cho thấy, 15,09% DN không biết, 63,21% DN có nghe nói nhưng không biết gì sâu, 19,81% đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có 1,89 % DN đã tìm hiểu tương đối kỹ- là bên liên quan.

Không chỉ yếu ở hình thể, trí tuệ, tâm thế sẵn sàng đi kiện cũng là vấn đề mà một vị lãnh đạo của Cục Quản lý cạnh tranh nhấn mạnh đến. Dẫn chứng từ vụ thịt gà năm 2015, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho hay: “Chúng tôi rất muốn ‘chiến đấu’ vì Mỹ ‘đánh’ chúng ta ‘tơi bời’... Dù DN lúc đó hừng hực khí thế nhưng tiếc rằng, khi chúng tôi nói DN phải cùng nhau kiện thì DN đùn đẩy cho nhau. Đã thế, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam lại gạt đi với lý lẽ kiện không thắng được đâu”.

Chia sẻ với báo chí, ông Nam cho biết, trách nhiệm Cục Quản lý cạnh tranh là làm sao hỗ trợ DN áp dụng công cụ này tốt hơn. Các nước lớn đang coi việc đề nghị Chính phủ áp dụng biện pháp PVTM là một chiến lược trong kinh doanh nhưng tiếc rằng DN Việt Nam chưa quan tâm. “Chúng tôi đã tổ chức hơn 100 cuộc tập huấn, hội thảo từ khi có pháp luật PVTM. Đối tượng DN chúng tôi cần đến hội thảo là giám đốc, trưởng phòng pháp chế đến nghe để về triển khai công việc nhưng các DN Việt Nam không quan tâm, toàn cử chuyên viên, sinh viên tập sự đi dẫn tới khi về không ai biết”, ông Nam nói.

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Liên quan đến vấn đề này, phải nói là rất tốn kém về tài chính và thời gian do việc tìm hiểu, thu thập thông tin, chứng cứ về vi phạm của DN nước ngoài không hề dễ dàng cho nên DN phần nào cũng e ngại. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng về việc pháp luật trong lĩnh vực này đã có nhưng chưa đủ chi tiết. Dẫn chứng từ vụ việc điều tra thuế tự vệ với mặt hàng bột ngọt mà Việt Nam đã áp dụng, bà Trang chia sẻ: “Có 1 DN bị ảnh hưởng đã đến gặp chúng tôi và muốn phản đối quy định đó nhưng không biết phải làm như thế nào. Chúng tôi đã nghiên cứu phát hiện có biện pháp gần nhất và có tác động ngay lập tức là quy định tại Điều 23, Pháp lệnh tự vệ. Tuy nhiên, chúng tôi đi tìm khắp nơi về việc làm thế nào để thực hiện “quyền” được đình chỉ thì lại không có”.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực PVTM cũng rất cần được đối chiếu rà soát để phù hợp với các quy định của các bộ luật khác như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật DN (sửa đổi)…
Có thể nói, số vụ kiện mà Việt Nam gặp phải chắc chắn sẽ không chỉ dừng ở con số 100 như hiện tại mà sẽ tăng lên ngày càng nhanh hơn khi Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Bởi lẽ, mặt tích cực khi ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) là giảm thuế giúp tăng trưởng XK cũng đồng nghĩa với việc công cụ thuế sẽ không còn nhiều dư địa để bảo hộ sản xuất trong nước.

Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra vụ kiện PVTM của DN trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, nếu DN không có sự chuẩn bị kỹ, không có biện pháp nâng cao hiệu quả thì khi thuế giảm DN không thể trông chờ vào sự bảo hộ về thuế. Lúc đó, biện pháp PVTM là điều mà DN phải nghĩ đến. Tuy nhiên, để công cụ này được sử dụng hiệu quả hơn ở Việt Nam, DN cần phải chủ động cập nhật tìm hiểu thông tin về các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, NK ồ ạt (nguyên đơn); về các nguy cơ vụ kiện ảnh hưởng đến lợi ích của mình (bên liên quan). Tất nhiên, cùng với sự chủ động của DN, cơ quan quản lý cũng cần sâu sát, hỗ trợ DN hơn nữa trong việc hoàn thiện hồ sơ, giới thiệu luật sư có kiến thức sâu trong lĩnh vực này, thông qua đó DN nhận sự hỗ trợ để làm tốt hơn.

Với yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý về PVTM cần chi tiết hơn, hiện nay, Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018, trong đó có riêng một chương về các biện pháp PVTM. Theo đó, nội dung của Luật Quản lý ngoại thương được pháp điển hóa, sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản tại 3 Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, đồng thời bổ sung nội dung mới về chống lẩn tránh các biện pháp PVTM, ứng phó với vụ việc do nước ngoài khởi xướng nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu quản lý trên thực tiễn, đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp này.

Để hiện thực hóa Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã có dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM và đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để trình Chính phủ ban hành. Hy vọng rằng, cùng với sự hoàn thiện về khung pháp lý, cùng với sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, DN sẽ có tâm thế vững vàng hơn để ứng phó với “cơn bão” các vụ kiện mà các nước sẽ gia tăng áp dụng trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Hải quan
Quảng cáo sản phẩm