Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ: “Ngư danh hoán cải?”

25/05/2009 12:00 - 899 lượt xem

Con cá da trơn dù có gọi nó bằng một cái tên nào khác đi nữa nhưng khi ăn ta có thấy nó ngọt không? Cứ cho là có thể đi, nhưng cuộc chiến bảo hộ đang sôi sục ở Mỹ đối với cá nhập khẩu từ Việt Nam chắc chắn là tanh như cá mới bắt lên ngày hôm qua.

Ngày 20/5, tạp chí Wall Street của Hoa Kỳ đã đăng bài viết phản đối với tiêu đề "Ngư danh hoán cải" (A fish by any other name). Báo Công Thương xin giới thiệu bài dịch của Cộng tác viên Ngô Gia gửi từ Washington DC.
 
Trong quá trình thực thi Đạo luật Nông nghiệp 2008 (Farmbill 2008), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang cân nhắc việc đưa nhóm cá pangasius (tức là cá tra, basa) của Việt Nam vào nhóm cá da trơn “catfish”. Đây không chỉ có ý nghĩa về mặt ngôn từ. Theo Đạo luật Nông nghiệp, cá da trơn sẽ phải chịu kiểm tra chặt chẽ hơn nhóm cá tra, basa (pangasius). Do Việt Nam sẽ không có điều kiện thực hiện quy trình kiểm định với giá thành rẻ và nhanh chóng nên áp dụng quy định kiểm tra chẳng khác gì việc cấm nhập khẩu. Các nhà sản xuất nội địa của Mỹ đang vận động Bộ Nông nghiệp Mỹ mở rộng định nghĩa về cá da trơn.
 
Điều này thể hiện mức tồi tệ nhất của tư tưởng bảo hộ. Nhóm cá pangasius của Việt Nam là những loại cá khác với cá da trơn được nuôi ở vùng sông Mitxixipi và Trung quốc. Yêu cầu kiểm tra của Mỹ bề ngoài dường như nhằm bảo vệ sự an toàn nhập khẩu cá từ Trung quốc. Chứ thực ra đối với cá nhập khẩu từ Việt Nam có gì mà phải quá lo lắng quá.
 
Sự lật lọng trong ngôn ngữ của ngành cá da trơn Mỹ đã đưa trò chơi này đi quá xa, lộ rõ sự cạnh tranh của ngành này với Việt Nam kéo dài trong nhiều năm. Năm 2002, các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ đã thuyết phục được Quốc hội thông qua Luật quy định cá của Việt Nam không phải là cá da trơn và vì thế cũng không được phép đưa ra thị trường với tên cá cá da trơn (catfish). Nhưng những cái tên “basa”, “tra” và “swai” đã không làm giảm sức mua của người tiêu dùng Mỹ. Các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ đã thành công trong việc kiện lên Washington quyết định áp đặt thuế chống bán phá giá với biên độ từ 36% đến 64%.
 
Bây giờ, các nhà sản xuất của Mỹ lại sẵn lòng gọi cá nhập khẩu từ Việt Nam là cá da trơn miễn là điều đó loại trừ được việc nhập khẩu. Chính sách bảo hộ này thật nực cười. Cá của Việt Nam đang chiếm vị thế trên thị trường vì nó được bảo quản lạnh tốt và thịt của con cá đủ chắc để chế biến thái lát và lại rẻ hơn cá da trơn của Mỹ. Việc cản trở nhập khẩu cá của Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ có ít lựa chọn hơn và phải chịu giá cả cao hơn.
 
Việc cấm nhập khẩu cũng đồng thời đe dọa công ăn việc làm của những người lao động trong ngành chế biến cá của Mỹ, đúng như lời của ông Barney Frank- Chủ tịch Ủy ban Tài chính của Hạ viện, thuộc Đảng dân chủ, trong bức thư gửi Bộ Nông nghiệp tháng trước. Địa hạt Massachuset của ông là quê hương của một số nhà máy chế biến cá của Việt Nam. Chính sách bảo hộ này sẽ làm cho ngành cá tra, basa của Việt Nam bị suy giảm lớn vì nó là trụ cột của ngành kinh tế khu vực sông Mê Kông với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,4 tỷ USD Mỹ, đóng góp trong khoảng 90 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.
 
Tổng thống Obama đã từng nói về thúc đẩy sự hồi phục suy thoái của Mỹ và gìn giữ hình ảnh và vai trò lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài. Chính quyền này đã có xung đột tranh chấp thương mại với các nước như từ vụ xe tải với Mêhicô đến vụ đánh thuế túi nylon đựng hàng của Việt Nam và dự kiến áp đặt hạn ngạch đối với lốp xe Trung quốc. Nếu như Tổng thống thực sự chân thành trong lời hùng biện của mình thì ông sẽ yêu cầu bỏ những tranh chấp này và cả vụ cá da trơn có xuất xứ từ Việt Nam.

Nguồn: Báo công thương điện tử

Quảng cáo sản phẩm