Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra kết luận cuối cùng trong vụ kiện chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép dẫn dầu của Việt Nam

15/07/2014 12:00 - 950 lượt xem

Ngày 11 tháng 7 năm 2014, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết luận cuối cùng khẳng định sự tồn tại của hành vi bán phá giá một số sản phẩm ống thép dẫn dầu (OCTG) nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Ả-Rập Sau-đi, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine và sự tồn tại của trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với Việt Nam, bị đơn bắt buộc trong cuộc điều tra là Công ty thép SeAH VINA nhận biên độ phá giá cuối là 24,22%. Công ty Hot Rolling Pipe, một bị đơn bắt buộc khác, do từ chối trả lời bản câu hỏi điều tra của DOC, đã bị xem xét dựa trên các chứng cứ sẵn có và suy luận bất lợi; và phải nhận biên độ phá giá bằng với biên độ phá giá toàn quốc của Việt Nam là 111,47%. Đây cũng là biên độ phá giá cao nhất theo cáo buộc của nguyên đơn.

Trước đó, ngày 18 tháng 02 năm 2014, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc. Theo đó, các công ty Việt Nam nhận biên độ phá giá từ 9,57% tới 111,47%.

Thông tin cụ thể như sau:

 1. Biên độ phá giá cuối cùng được xác định đối với Việt Nam:
Các nhà sản xuất/ xuất khẩu  Biên độ phá giá trong Kết luận cuối cùng (11/7/2014)  Biên độ phá giá trong Kết luận sơ bộ (18/2/2014)  
 Công ty thép SeAH VINA  24,22%  9,57%
 Mức thuế suất toàn quốc đối với các doanh nghiệp khác của Việt Nam  111,47%   111,47% 
Trong vụ việc này, ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ nộp đơn yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với nhiều nước khác nhau. Tại kết luận cuối cùng, trong khuôn khổ vụ điều tra chống bán phá giá, DOC công bố biên độ phá giá của Ấn Độ từ 2,05% tới 9,91%; Hàn Quốc từ 9,89% tới 15,75%; Philippines là 9,88%; Ả-Rập Sau-đi là 2,69%; Đài Loan từ 0,00% tới 2,52%; Thái Lan là 118,32% (dựa trên thông tin sẵn có bất lợi); Thổ Nhĩ Kỳ từ 0,00% tới 35,86% và Ukraine là 6,73%. Đối với Ukraine, do một thỏa thuận tạm đình chỉ (suspension agreement) đã được ký vào ngày 10/7 nên Hoa Kỳ sẽ không yêu cầu nộp tiền đặt cọc cũng như không thu thuế trong khi thỏa thuận này có hiệu lực (ngày 10 tháng 7 năm 2017¬). Trong khuôn khổ vụ việc điều tra chống trợ cấp, Ấn Độ nhận biên độ trợ cấp từ 5,67% tới 19,11% và Thổ Nhĩ Kỳ từ 2,53 tới 15,89%.

Theo thông báo của DOC, lượng nhập khẩu ống OCTG từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Philipines, Ả-Rập Sau-đi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Việt Nam trong năm 2013 lần lượt ước đạt $175 triệu, $812 triệu, $55 triệu, $71 triệu, $79 triệu, $37 triệu, $107 triệu, $87 triệu, và $110 triệu.

 2. Các bước triển khai tiếp theo:

Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) dự kiến sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về thiệt hại đối với ngành công nghiệp nội địa của Hoa Kỳ do sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước gây ra vào ngày 25 tháng 8 năm 2014.

Theo đó, nếu USITC đưa ra kết luận cuối cùng khẳng định việc nhập khẩu sản phẩm ống thép OCTG gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp nội địa Hoa Kỳ, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ các nước nói trên (dự kiến ngày 2/9/2014), trừ Ukraine. Đối với Ukraine, trong trường hợp ITC ban hành kết luận khẳng định thiệt hại do sản phẩm nhập khẩu từ Ukraine tạo ra, DOC sẽ chấm dứt thoả thuận tạm đình chỉ và ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với Ukraine kể từ ngày thỏa thuận tạm đình chỉ hết hiệu lực.

Trong trường hợp USITC kết luận phủ định về thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại, cuộc điều tra sẽ được chấm dứt.
 
Nguồn: Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài
Quảng cáo sản phẩm