Cá basa Việt Nam bị làm khó ở Italy

13/04/2009 12:00 - 1410 lượt xem

Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Italy, Italy là một nước tiêu thụ thủy sản khá lớn của Việt Nam. Năm 2008, nước này nhập khẩu 118 triệu euro thủy sản của Việt Nam.

Vào tháng 10/2008, một nhóm phụ huynh học sinh ở trường tiểu học Le Fonti ở Prato, miền trung Italy, đã trở thành những người đầu tiên ở Italy gửi thư phản đối lên chính quyền thành phố, đòi ngừng cung cấp cá basa cho bữa ăn của trẻ vì sợ chúng có thể bị nhiễm độc.

Trong khi đó, dưới sức ép của công luận, những người phân phối cá basa ở vùng Calabria, miền nam Italy, đã phải gửi cam kết đến tất cả các trường học, khẳng định cá basa họ cung cấp không có vấn đề về nhiễm độc.

Chiến dịch bôi nhọ

Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Italy, Italy là một nước tiêu thụ thủy sản khá lớn của Việt Nam. Năm 2008, nước này nhập khẩu 118 triệu euro thủy sản của Việt Nam.

Cá basa trước đây chưa phải là mặt hàng được tiêu thụ nhiều, nhưng thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu cá basa vào Italy đã tăng lên. Nhưng những người có tư tưởng bảo hộ thị trường của Italy có lẽ không cần xét đến điều ấy cũng như việc cá basa Việt Nam đã có mặt và được đánh giá cao tại hơn 100 nước trên thế giới.

Phong trào chống cá basa được tiến hành một cách rộng rãi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng Italy, với chiến thuật đánh vào các vị phụ huynh học sinh vốn luôn quan tâm đến con em cũng như những người tiêu dùng Italy rất nhạy cảm đối với vấn đề môi trường (họ rất sợ ăn cá sông, kể cả sông ở Italy).

Tổ chức bảo vệ các đồ ăn truyền thống của Italy, Slow Food, sẽ tổ chức một hội thảo mang tên Slow Fish tại Genova từ 17 đến 20/4 tới. Một trong những chủ đề chính của hội thảo này là cá basa.

Người sáng lập Slow Food, ông Carlo Petrini, thậm chí đã tuyên bố thẳng thừng rằng "không thể chấp nhận cho cá basa lan rộng ra thị trường Italy, vì đây là một loại cá đến từ nguồn nước bị nhiễm độc ở Việt Nam" với bằng chứng rằng cá basa được nuôi ở Mekong, một trong số 10 con sông ô nhiễm nhất thế giới.

Ảnh hưởng của Slow Food trong công chúng Italy rất lớn và tổ chức hiện có đến 130 chi nhánh ở các nước trên thế giới này hoàn toàn có thể lấy lí do bảo vệ các loài cá truyền thống của các nước đó để tẩy chay cá basa khỏi thị trường.

Chiến dịch chống cá basa được bắt đầu từ nhật báo La Repubblica. Nhật báo chính thống có số lượng ấn bản lớn thứ 2 tại Italy này đã chạy một loạt bài từ tháng 10/2008, đặc biệt còn huy động các ấn bản địa phương vào cuộc với mục đích hết sức rõ ràng, loại bỏ cá basa khỏi bàn ăn của người tiêu dùng Italy.

Ấn bản của La Repubblica ở vùng Veneto miền bắc Italy ngày 30/3/2009 chạy tít: "Cá basa: Cá hay thuốc độc?". Ấn bản Il Tirreno ở vùng Liguria, nơi chống cá basa rầm rộ nhất, chạy bài cuối năm 2008: "Nghèo chất lượng trên tất cả các phương diện, kể cả prôtêin", trong đó đưa ra những lập luận "mang tính khoa học" về việc cá basa không hề có giá trị dinh dưỡng cao và điều quan trọng nhất là nhấn mạnh đến sự ô nhiễm của sông Mekong.

Sau phóng sự trong chương trình Report gây chấn động dư luận trên kênh RAI3 phát sóng tối 16/11/2008, đến lượt bản tin nhiều người xem nhất TG1 trên kênh RAI 1 hồi đầu tháng 2 thậm chí đã đưa ra lời bình luận: "Cá basa độc đến từ Việt Nam!". Nhật báo La Stampa cuối tháng 2/2009: "Cá basa, chất độc được đem đến cho chúng ta".

Tất cả hướng đến 3 vấn đề chính: Cá basa được bán rộng rãi ở Italy nhờ giá rẻ, có thể cạnh tranh với tất cả các loại cá khác; Cá basa được nuôi ở một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới; Rất nhiều gói cá basa được bán trên thị trường Italy được ướp các chất đặc biệt nhằm kéo dài thời gian bảo quản, không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cần có biện pháp bảo vệ cá basa Việt Nam

Bộ chính sách nông nghiệp Italy chưa đưa ra bất cứ bình luận hay quyết định nào về việc này. Cho đến nay, các cơ quan chức năng Italy, từ INRAN (Viện quốc gia về lương thực và dinh dưỡng) cho đến các chuyên viên an toàn thực phẩm đều khẳng định cá basa đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cá Italy và các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đang gây sức ép đòi bộ này phải cấm nhập cá basa vào thị trường Italy. Bộ trưởng Luca Zaia cũng có tên trong danh sách mời tham dự hội thảo Slow Fish ở Genova, và họ hy vọng ông sẽ đưa ra quyết định quan trọng sau hội thảo này.

Hiện tại, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã có báo cáo về Bộ Công thương để chuẩn bị các biện pháp đối phó, đồng thời có cảnh báo kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá basa sang thị trường Italy.

Theo ông Trần Thanh Hải, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy: "Về lâu dài, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta cần quan tâm đến việc nâng cao hình ảnh của sản phẩm, đặc biệt với các mặt hàng nông sản, thủy sản vì chất lượng, an toàn thực phẩm luôn là yếu tố hàng đầu. Chúng ta cần tích cực làm cho người nhập khẩu và người tiêu dùng hiểu biết nhiều về sản phẩm thì mới mong ổn định tăng trưởng xuất khẩu".

Nguồn: Báo công thương điện tử

Quảng cáo sản phẩm