Cà phê xuất khẩu thăng trầm theo giá

18/03/2009 12:00 - 1059 lượt xem

Giá cà phê trên thị trường thế giới đang diễn biến theo chiều hướng hạ dần, liên tục xác lập kỷ lục xuống giá mới khiến nhiều doanh nghiệp lo đứng lo ngồi còn người nông dân trồng cà phê đành dằn lòng cho thị trường tự do tiếp tục thao túng…

Mặc dù lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này tại Gia Lai đã trấn an người trồng cà phê, song, trong điều kiện giá cà phê đã và đang xuống thấp hơn giá thành sản xuất nên dẫn tới nguy cơ tồn đọng một sản lượng lớn cà phê trong dân sau thu hoạch, gây tác động xấu đến thị trường hoàn toàn có thể xảy ra.

Giá cà phê trên thị trường thế giới và nội địa đã xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua.

Giá cà phê tiếp tục sụt giảm

Trong gần một tuần qua, giá cà phê tại Tây Nguyên giảm mạnh theo từng ngày. Giá cà phê giao theo kỳ hạn tháng 5 tại thị trường London vào sáng ngày 11/03 còn 1.436 USD/tấn, thấp hơn giá trung bình niên vụ trước 501 USD/tấn.

Đây là mức giá cà phê giao dịch theo kỳ hạn thấp nhất trong hơn 1 năm qua trên các sàn giao dịch quốc tế.  

Cùng diễn biến theo thị trường thế giới, với sản lượng mỗi niên vụ thường đạt từ 845.000-850.000 tấn/năm, chiếm hơn 80,6% sản lượng cà phê xuất khẩu cả nước nhưng giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên đang tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng.

Tại Đắk Lắk, giá cà phê nhân xô robusta đạt 23.300 đồng/kg; giá ở Lâm Đồng là 23.400 đồng/kg, Gia Lai 23.200 đồng/kg và tại Đắk Nông chỉ còn 23.200 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất khiến người trồng cà phê tại Tây Nguyên lo lắng.

Hái cà phê.

Vào vụ sản xuất năm nay, chi phí đầu tư vào khoảng 25-28 triệu đồng/ha. Hiện cà phê đang bước vào giai đoạn bón phân nhưng trong điều kiện giá cả xuống dốc như hiện nay không chỉ khiến lợi nhuận của người trồng cà phê không đủ điều kiện tài chính tích trữ hàng, bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn phát sinh tâm lý lo ngại giá cà phê trên các sàn giao dịch quốc tế cũng như tại thị trường nội địa sẽ tiếp tục ảm đạm trong thời gian tới.

Thông tin từ Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) dự báo sản lượng vụ cà phê năm nay của thế giới đạt khoảng 131 triệu bao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng khoảng 128 triệu bao. Theo quy luật khi cung và cầu gần sát nhau, giá cà phê đã có thể tiếp tục duy trì ở mức cao.

Dự báo của ICO là vậy nhưng với sản lượng ước tính hơn 1 triệu tấn cà phê nhân xuất khẩu ở niên vụ này, người trồng lẫn doanh nghiệp kinh doanh cà phê Việt Nam đang từng ngày đối mặt với khó khăn khi giá cả đang xuống dần và chưa có dấu hiệu chững lại.

Doanh nghiệp, nông dân cùng khổ

Mặc dù phải hơn 7 tháng nữa mới đến mùa vụ thu hoạch cà phê tại khu vực Tây Nguyên nhưng với giá cả biến động theo chiều hướng giảm dần khiến không chỉ nông dân trồng cà phê gặp nhiều khó khăn mà còn đặt một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản này lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo ông Trần Quang Đính, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu cà phê 331, với giá cà phê xuất khẩu thấp như thế, không chỉ riêng công ty này mà có thể nói hơn 140 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong cả nước đang rơi vào tình thế lúng túng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo ông Đính, khi giá cà phê trên sàn giao dịch quốc tế thấp, khả năng tài chính của những doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn cùng với việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng quá khó khăn cũng là trở ngại cho doanh nghiệp.

Gần 1 tháng qua, nhiều nông dân tại Tây Nguyên gặp khó khăn về tài chính không còn ý nghĩ giữ hàng chờ giá do tâm lý lo ngại giá cả sẽ tiếp tục biến động, đã bán non cà phê cho tiểu thương.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Trần Quang Đính cho rằng, trong tình thế hiện nay, nếu nông dân tiếp tục bán ra ồ ạt khi giá cả xuống thấp sẽ gây tác động xấu đến thị trường và có thể càng làm cho giá cà phê thấp hơn gây thiệt hại lớn cho chính người trồng cà phê.

Ở niên vụ này, người trồng cà phê khu vực Tây Nguyên đang cần lắm những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con giữ hàng, không ồ ạt bán ra gây tác động xấu đến thị trường, để giữ giá cà phê không tiếp tục đi xuống.

Theo ông Vũ Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty cà phê tỉnh Gia Lai, để vượt qua những khó khăn về giá cà phê trên thị trường thế giới, người trồng cà phê cần vững tin vào chính mình.

"Nếu có thể, chúng tôi khuyến khích nông dân nên trữ cà phê, ký gửi vào công ty nhằm đảm bảo chất lượng, hạn chế rủi ro có thể xảy ra như tỉ lệ thuỷ phần, lẫn tạp chất… Họ hoàn toàn có thể đợi khi cà phê thế giới phục hồi và cắt giá lúc thích hợp nhất", ông Hiếu nói.

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm