Cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài

31/07/2023 09:56 - 58 lượt xem

Những năm gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đối mặt nguy cơ bị điều tra với các biện pháp phòng vệ thương mại mới. Đây là thách thức đòi hỏi cần có giải pháp ứng phó chủ động, thích hợp, hiệu quả, từ cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp.

 

Thời cơ và nguy cơ

 

Từ giữa năm 2022 đến nay, cũng như các ngành xuất khẩu khác, hầu hết doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu của nước ta bị sụt giảm mạnh đơn hàng. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp gỗ gặp khó khăn khi việc kiện cáo, tranh chấp thương mại của nước nhập khẩu kéo dài.

 

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dẫn chứng vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7, kéo dài đến 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt. Doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, các nhà mua hàng Mỹ cũng vì lo ngại tranh chấp thương mại mà chuyển dịch sang các thị trường khác.

 

Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Sao Đỏ Việt Nam cho biết, hai năm trở lại đây, doanh nghiệp đã chủ động được nguyên liệu trong nước, dẫn đến giá đầu vào giảm khoảng 5 - 7%. Chi phí giảm dẫn đến giá bán ra cho khách hàng cũng giảm theo. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại là 1 trong 14 doanh nghiệp Việt Nam bị nguyên đơn là Liên minh vì Thương mại công bằng đối với túi mua hàng của Hoa Kỳ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm túi giấy có quai.

 

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện, trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá với 128 vụ việc, tiếp đó là các vụ việc tự vệ với 47 vụ việc, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với 33 vụ việc và chống trợ cấp là 23 vụ việc.

 

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam đến nay chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến hàng tỷ USD. Trong đó, thép, sợi... là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới.

 

Việc hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài hơn là một hệ quả tất yếu khi xuất khẩu tăng trưởng nhanh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động.

 

“Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ gây tác động tiêu cực. Nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Để tránh bị áp thuế, doanh nghiệp phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của cơ quan điều tra nước ngoài. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp”, ông Trịnh Anh Tuấn phân tích.

 

Tăng năng lực ứng phó

 

Theo Cục Phòng vệ thương mại, tình hình khu vực và thế giới 6 tháng cuối năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế, khiến xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng.

 

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, việc Việt Nam tiếp tục thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu, nhưng cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp.

 

Do đó, các quốc gia sẽ có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng nhiều và hàng xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài.

 

Cục Phòng vệ thương mại đang tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Đồng thời, trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp...

 

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ban đầu thường kéo dài ít nhất là một năm và biện pháp sau đó (nếu được áp dụng) sẽ được rà soát hành chính hàng năm/ giữa kỳ hoặc cuối kỳ... “Vì vậy, Bộ Công Thương vẫn phải tiếp tục phối hợp cùng các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng  liên quan chủ động theo dõi các vụ việc, hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý kịp thời các tình huống phát sinh để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được”, ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.

 

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới... nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

 

Theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh của các nước, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương để có hành động, kịp thời và có chiến lược xuất khẩu phù hợp. Song song đó, doanh nghiệp cần thiết lập các kênh thông tin với các đối tác, các hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý các vụ kiện, tình huống phát sinh.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI: Trong 5 năm qua số vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới tăng rất nhanh, chiếm khoảng 27% tổng số vụ việc từ trước đến nay theo thống kê của WTO.

 

Do đó, sự gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam gần đây là theo xu thế chung. Đến nay, đã có nhiều mặt hàng của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại như thép, nhôm, gỗ, thuỷ sản..., nhưng nhiều vụ việc cũng đã kháng kiện thành công, qua đó phần nào chứng minh năng lực sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp để theo dõi, chuẩn bị ứng phó một cách linh hoạt. Trong khi đó hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu còn chưa hoàn thiện...Đây là những vấn đề đòi hỏi doanh nghiệp phải chú ý hơn nữa.

 

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Đến nay, ngành Thép đã phải đối mặt với gần 80 vụ việc, chiếm hơn 1/3 tổng số vụ và dự báo sẽ có thêm nhiều vụ việc trong thời gian tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép đã dần bắt nhịp được với yêu cầu của cơ quan điều tra các nước, nhiều vụ kháng kiện đã có được kết quả tích cực.

 

Phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp: Thứ nhất là chống bán phá giá, tức hàng hoá xuất khẩu của chúng ta bị thị trường nước ngoài cáo buộc là bán giá thấp hơn giá bán trong nước; thứ hai là chống trợ cấp, tức hàng xuất khẩu của chúng ta bị cáo buộc là được nhà nước trợ cấp; thứ 3 là biện pháp tự vệ. Trong 3 biện pháp này, chúng ta đang phải đối mặt nhiều nhất là chống bán phá giá, chiếm khoảng một nửa tổng số vụ việc và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với biện pháp này, đối tượng bị cáo buộc trực tiếp chính là các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu.

 

Doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu kỹ pháp luật của nước, thị trường mình xuất khẩu, vì mỗi một thị trường, mỗi một nước có một quy trình áp dụng xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại rất khác nhau.

 

Nguồn: Báo Tin tức

Quảng cáo sản phẩm