Chống bán phá giá: Bị kiện thì nhiều, khởi kiện thì ít

15/04/2009 12:00 - 1126 lượt xem

Các biện pháp tự vệ thương mại: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại được các nước sử dụng rất nhiều để bảo vệ hàng hoá trong nước nhưng ở Việt Nam lại quá mới. Buổi tọa đàm: "Bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng hoá nhập khẩu: các công cụ phòng vệ thương mại" do Cục Quản lý Cạnh tranh tổ chức ngày 10/4 đã đề cập đến vấn đề này.

Theo Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), Việt Nam đã từng hứng chịu 37 vụ kiện chống bán phá giá, gần đây các vụ kiện ngày càng tăng, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa từng sử dụng các biện pháp đó để tự bảo vệ hàng hoá của chính mình.

Sợ bị kiện!

Ông Nguyễn Đức Thành, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), cho rằng, để bảo vệ hàng hóa của chính mình cả ở sân khách và sân nhà thì DN phải tích cực, chủ động. Nhưng thay vì như vậy nhiều DN lại tìm cách trốn tránh chỉ vì "sợ" bị kiện: “Có khi nhân viên của Cục QLCT fax, điện thoại... đều không thể liên lạc được với DN, có DN vừa thấy xưng danh là tắt máy. Lý do là DN bị đơn nghĩ rằng mình kiện, bị các cơ quan quản lý nhà nước gọi là có vấn đề rồi và cứ có vấn đề thì cách phòng vệ tốt nhất là "trốn tránh".

Ông Thành thẳng thắn: "Đây là cách hành xử rất thiếu chủ động tích cực. Bởi vì theo quy định của luật pháp quốc tế trong vấn đề này, khi phía bị đơn không hợp tác thì phía đi kiện đương nhiên sẽ có quyền chủ động áp các điều khoản phạt bất lợi. Trốn tránh, buông xuôi như vậy hậu quả tai hại ở chỗ, không chỉ DN bị kiện chịu thiệt mà những DN khác xuất khẩu cùng một mặt hàng khi xuất vào thị trường đó cũng bị vạ lây: tức là cùng nhận mức thuế cao hơn trước khi bị kiện, đơn hàng XK giảm... Kim ngạch XK hàng hoá của Việt Nam đương nhiên giảm sút. Trong khi đó, nếu chủ động tích cực thì DN bị đơn có thể bảo vệ quyền lợi của mình: bác bỏ được đơn kiện, giảm mức thuế bị kiện.

Như vậy, yếu tố rất quan trọng là DN phải chủ động tích cực khi bị kiện cũng như đi thưa kiện. Để tránh bị kiện ở thị trường nào đó, khi XK ngoài cập nhật thông tin về thị trường thì DN cũng nên sớm phát hiện nguy cơ bị kiện qua quan sát về đối thủ khác của mình XK ra sao, tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK của mặt hàng đố như thế nào, động thái của các nhà sản xuất tại thị trường XK ra sao. Việc này không quá mất thời gian và cũng không tốn kém công sức. Nếu phát hiện sớm nguy cơ bị kiện, DN sẽ kịp thời điều chỉnh đơn giá, lượng hàng XK và tìm cách ngăn chặn sớm thì hậu quả sẽ đỡ hơn rất nhiều. Trong trường hợp muốn kiện hàng hóa các nước nhập khẩu vào VN vì ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường thì DN phải chuẩn bị đẩy đủ hồ sơ, phối hợp tốt với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đi kiện khó trăm bề!

Hiện nay các văn bản pháp lý của Việt Nam về chống bán phá giá, chống trợ cấp, và tự vệ thương mại đã khá đầy đủ. Nhưng thực tế là DN Việt Nam chưa khởi kiện được phía đối tác nước ngoài nào. “Phải chăng là do hàng hoá của chúng ta đã cạnh tranh tốt với hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá nhập khẩu không gây tổn hại gì cho hàng hoá trong nước, tiến trình tự do hoá thương mại của ta không xảy ra mâu thuẫn giữa hàng hoá trong nước và hàng hoá nhập khẩu"- Ông Thành nêu câu hỏi.

Ông Lại Quang Trung, Trưởng phòng xuất nhập khẩu của Tổng Công ty thép Việt Nam, dẫn chứng: “Năm 2002, mặt hàng thép cuộn được nhập khẩu ồ ạt vào nước ta, lượng nhập khẩu tăng đột biến, giá thành thép nhập còn rẻ hơn cả giá thành đầu vào của các DN sản xuất trong nước... khiến nhiều DN thép phải đóng cửa. Ở vụ việc thép Trung Quốc có hàm lượng boron (Bo) lách luật trốn thuế vào Việt Nam, các DN thép đều khẳng định họ bị thiệt hại do thép Trung Quốc bán pha giá vào VN và rất muốn kiện. Nhưng thực tế DN đã không thể tập hợp đủ hồ sơ cần thiết để đi kiện, đó là: danh sách các DN xuất khẩu vào nước ta, yếu tố tính giá thành của DN... để kiện"

Trên thực tế, những số liệu để có thể làm căn cứ đi kiện các nước phải là số liệu chính thức từ các cơ quan Hải quan. Nhưng tập hợp số liệu của các cơ quan vốn rất kém, thiếu và không đầy đủ. Chưa kể DN rất khó để có thể tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu từ phía hải quan, thuế... Như vậy, để có thể giúp DN kiện được thì không chỉ cần nỗ lực của DN mà các cơ quan quản lý cũng phải tích cực và chủ động hơn trong việc phối hợp với DN, nhất là trong việc cung cấp các số liệu chính thức, tư vấn pháp lý...

Ông Nguyễn Văn Thụ, Hiệp hội chè cũng cho rằng: “Các cơ quan thương vụ ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng giúp DN tìm hiểu về đối tác vì họ ăn lương để năm tình hình thị trường. Do đó, các cơ quan thương vụ có thể giúp DN tập hợp các yếu tố để giúp DN đi kiện. Thực tế nhờ được sự hỗ trợ của của thương vụ trong việc lobby với các DN ở Ấn Độ, Đài Loan, hiệp hội người tiêu dùng đã từng "thoát" khỏi bị kiện".

Nguồn: Báo công thương điện tử

Quảng cáo sản phẩm