Chủ động phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước

25/03/2020 12:00 - 1022 lượt xem

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước không chỉ chịu áp lực từ thị trường xuất khẩu, mà còn gặp nhiều khó khăn ngay trên “sân nhà” khi hàng hóa của nhiều nước ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam.

Vì vậy, nước ta đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ DN sản xuất trong nước.

Áp thuế một loạt hàng nhập khẩu

Trong tuần qua, Bộ Công thương liên tiếp áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ nền sản xuất và hàng hóa trong nước. Cụ thể, ngày 20/3, Bộ Công thương đã thông báo ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia. Theo đó, các sản phẩm bột ngọt nhập khẩu có xuất xứ từ hai quốc gia này sẽ bị áp dụng mức thuế tuyệt đối trong khoảng từ 2.889.245 đồng/tấn đến 6.385.289 đồng/tấn.

Tiếp đến là quyết định áp thuế chống bán phá giá với màng nhựa nhập khẩu. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu màng nhựa của Trung Quốc là từ 14,99% đến 43,04%, của Malaysia là từ 10,91% đến 23,05% và của Thái Lan là 20,35%. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay, hành. vi bán phá giá này đã gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, các tiêu chí về sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần… đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, hàng tồn kho tăng và rất nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, phá sản. Nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.

Mới đây nhất, ngày 22/3, nước ta quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, với 3 giai đoạn cụ thể: Từ ngày 22/3/2020 đến ngày 21/3/2021: mức thuế áp dụng với phôi thép là 15,3%, thép dài 9,4%; từ ngày 22/3/2021 đến ngày 21/3/2022: phôi thép 13,3%, thép dài 7,9%; từ ngày 22/3/2022 đến ngày 21/3/2023: phôi thép 11,3%, thép dài 6,4%.

Theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu là cần thiết để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và đảm bảo hiệu quả của biện pháp, giúp ngành sản xuất trong nước có thêm thời gian cần thiết để điều chỉnh kế hoạch. Nhất là trong bối cảnh đại dịch kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Giải cứu DN bằng công cụ phòng vệ thương mại 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, Bộ Công thương nhận định không loại bỏ khả năng hàng hóa tồn kho một số nước sẽ nhập khẩu vào Việt Nam với giá thấp, tạo sức ép lên sản xuất và DN trong nước.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công thương diễn ra chiều 20/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định, ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch covid- 19 đã khiến cho kinh tế một số quốc gia rơi vào khó khăn, suy thoái, kéo theo đó sẽ có lượng lớn hàng hóa tồn kho. Vì vậy, nguy cơ hàng hóa nhập khẩu giá thấp tràn vào nước ta, gây áp lực lên sản xuất trong nước là rất lớn.

Về câu chuyện này, theo Cục Phòng vệ thương mại, thực tế cho thấy, sản xuất công nghiệp của một số quốc gia có quy mô khá lớn, sự đình trệ của các ngành kinh tế do dịch bệnh dẫn đến lượng tồn kho tăng nhanh và mạnh, giá thấp. Với thị trường nhỏ hơn như Việt Nam, chỉ cần lượng hàng nhập khẩu giá rẻ tăng vài phần trăm là sức ép lên sản xuất trong nước cũng sẽ tăng theo cấp số nhân. Bên cạnh đó, trong vài năm trở lại đây, các quốc gia trên thế giới đều gia tăng hàng rào bảo hộ mạnh hơn với hàng hóa nhập khẩu. 

Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, các ngành sản xuất, DN  trong nước không chỉ chịu áp lực từ thị trường xuất khẩu, mà còn ngay trên “sân nhà” khi mà hàng hóa của nhiều nước tràn vào thị trường Việt Nam.

Mặt khác, trên thực tế, từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, nước ta đã phải đối diện với nhiều thông tin xấu hơn về các ngành công nghiệp. Theo Cục Công Nghiệp (Bộ Công thương), các ngành công nghiệp đang giảm sâu do nhu cầu giảm thấp. Nhất là khi dịch lan rộng tại Mỹ và EU, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… đang dần chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thêm vào đó, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công thương, hiện thị trường trong nước đang có vấn đề với ngành xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục. Hai nhà máy lọc hóa dầu đang rất khó khăn do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm 20 - 25% (nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang tồn kho khoảng 60 - 70% sản phẩm), còn các DN nhập khẩu đang tồn kho khoảng 40%. 

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu nước ta cần chủ động để không chỉ chống đỡ ở tại thị trường xuất khẩu mà còn để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định. “Bộ Công thương đã và đang tích cực triển khai Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Có thể khẳng định, nước ta đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó và sẽ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước nếu cần thiết. Trên thực tế, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã theo dõi sát diễn biến, tiến hành điều tra một số sản phẩm nhập khẩu có lượng tăng đột biến vào Việt Nam để kịp thời “ra tay”, bảo vệ DN, bảo vệ nền sản xuất trong nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cũng trong cuộc họp ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp đặt ra nhiều vấn đề mới, nhu cầu toàn cầu sụt giảm và đa số các ngành sản xuất trong nước đều bị ảnh hưởng theo. Do đó, một trong những chỉ đạo quan trọng của Bộ trưởng Bộ Công thương là chủ động nghiên cứu và dự báo khả năng lượng hàng tồn kho của các quốc gia do dịch bệnh có thể tràn vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh, để từ đó sẵn sàng các phương án biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

Quảng cáo sản phẩm