Chủ động trong tuân thủ và áp dụng các hàng rào kỹ thuật trong xuất, nhập khẩu

02/12/2019 12:00 - 707 lượt xem

Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng ở nhiều khuôn khổ, từ song phương, khu vực và ở phạm vi rộng hơn nữa như WTO... và trong quá trình hội nhập, bên cạnh các cam kết của các thành viên về thuế quan thì nội dung rất quan trọng là tuân thủ các cam kết về các hàng rào kỹ thuật (RCKT) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của nhau. Trong thời gian qua, theo chức năng của mình, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp “hai chiều” để thực hiện các cam kết quốc tế.

Từng bước đưa khung khổ pháp lý tiệm cận với quy định quốc tế

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong thời gian qua, để thực hiện tốt các cam kết quốc tế với mục tiêu đồng thời là giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vượt qua các RCKT của các thị trường nhập khẩu và tạo được hàng RCKT thiết đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trong nước theo đúng các qui định của quốc tế, Chính phủ đã chỉ đạo và phân giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương tổ chức triển khai các giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, đến nay, Bộ Công Thương đã xây dựng, ban hành được 44 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) gồm các đối tượng: sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; kỹ thuật điện; khoáng sản; xăng dầu; dệt may, khăn giấy và giấy vệ sinh….

Bộ cũng đã xây dựng lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (TC-QCKT) ngành Công Thương đến năm 2025 tại Quyết định số 3263/QĐ-BCT ngày 07/9/2018, với mục tiêu hoàn thiện hệ thống TC-QCKT ngành Công Thương theo hướng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra chuyên ngành, quản lý nhà nước về an toàn và chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công Thương. Đồng thời, khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, hạn chế các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người.

Riêng với lĩnh vực nông sản, về cơ chế và các chính sách quản lý nhập khẩu, theo cam kết với WTO và trong các Hiệp định thương mại tự do song và đa phương, Việt Nam phải xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, như: giấy phép nhập khẩu, hạn chế định lượng và giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng, trong đó có các mặt hàng nông sản theo lộ trình.

Thực tế hiện nay, đa số các mặt hàng nông sản chỉ phải làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan hải quan mà không phải xin giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tuy nhiên phải tuân thủ các TC-QCKT và quy định hiện hành về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Theo chức năng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì đề xuất triển khai xây dựng các TC - QCKT trên cơ sở các Luật: Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; An toàn Thực phẩm, đồng thời vẫn đảm bảo tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm an toàn, hài hòa với cam kết quốc tế. Trường hợp nhập khẩu số lượng lớn gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước sẽ xem xét áp dụng biện pháp tự vệ thương mại.

Chủ động thực thi cam kết với thị trường nhập khẩu

Ở chiều ngược lại, trước xu hướng các nước nhập khẩu ngày càng tăng cường các rào cản thương mại và kỹ thuật, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp tích cực với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các RCKT, thương mại bất hợp lý trong các cuộc họp song phương, phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ, Diễn đàn khu vực (ASEAN, APEC) và đa phương (WTO).

Mặc dù quá trình đàm phán tháo gỡ RCKT, thương mại đối với từng mặt hàng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, song đến nay, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong việc mở cửa thị trường. Điển hình như việc đã kiện và đã thắng kiện Hoa Kỳ tại WTO trong vụ áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý đối với tôm XK của Việt Nam; đã hoàn tất việc thâm nhập thị trường mới cho một số trái cây của Việt Nam, như: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài vào Hoa Kỳ; vải, xoài, thanh long, nhãn vào Úc; sản phẩm sữa, măng cụt vào Trung Quốc và sắp tới là thạch đen, tổ yến; thịt gà chế biến vào Nhật Bản; xoài, thanh long vào Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand...)…

Đặc biệt, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và Hiệp hội ngành hàng liên quan, hai Bộ Công Thương và NNPTNT đang tích cực đàm phán hỗ trợ mở cửa thị trường cho các sản phẩm, như: tôm tươi nguyên con, nhãn vào Úc; thịt lợn vào Singapore; trứng gia cầm muối vào Hồng Kông, Singapore; sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, na, ... vào Trung Quốc; nhãn, vải, chôm chôm vào Hàn Quốc, Nhật Bản,…. Đồng thời triển khai các giải pháp quyết liệt để ứng phó, tháo gỡ vướng mắc về thị trường đối với thủy hải sản. Điển hình như Chương trình thanh tra cá da trơn theo đạo Luật Farm Bill, lệnh cảnh báo “thẻ vàng” của EU hay với điều nhân và hồ tiêu khi Ấn Độ tăng mức giá nhập khẩu tối thiểu MIP, tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu cơ sở BCD hoặc đối với gạo khi Philippines áp dụng thuế tự vệ...

Với hàng hoá XK sang các nước có chung biên giới, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là khi một số nông sản xuất khẩu vào chính vụ, đồng thời phối hợp với các tỉnh giáp biên tạo điều kiện thuận lợi, mở thêm cửa khẩu cho xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng, như: trái cây, gạo, đường…

Điển hình như cuối tháng 9 và trong tháng 10/2019, Bộ Công Thương đã chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương phía Trung Quốc để giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với hàng nông sản xuất khẩu tại khu vực biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, giúp giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và người nông dân sản xuất, kinh doanh nhiều loại trái cây chủ lực.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ nói trên, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025; theo dõi sát, phát hiện kịp thời hiện tượng gia tăng nhập khẩu đột biến nông sản, thực phẩm để nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (thuế chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật) có tính đối đẳng như các nước hiện đang áp dụng (về kiểm dịch, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm) với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, góp phần bảo vệ chính đáng sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển qua biên giới, tránh buôn lậu, gian lận thương mại.

Bộ cũng sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra xuất xứ hàng hóa, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch... đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu, chủ động phòng tránh, ứng phó với các biện pháp có tính bảo hộ của nước ngoài thông qua theo dõi tình hình xuất nhập khẩu để có kế hoạch điều chỉnh, xử lý.

Cùng đó là việc đảm bảo tuân thủ cam kết và chuẩn mực quốc tế, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa Chính phủ, Hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp về các biện pháp có tính chất hạn chế nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh một số nước liên tục có những thay đổi trong chính sách khiến các thủ tục này ngày càng chặt chẽ, khó định đoán hơn…

Nguồn Bộ Công Thương
Quảng cáo sản phẩm