Chuẩn bị công cụ phòng vệ cho doanh nghiệp Việt trong 'sân chơi' hội nhập

20/04/2019 12:00 - 527 lượt xem

Tranh chấp thương mại là điều không thể tránh khỏi nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải biết cách sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo các công cụ phòng vệ. 

Kiện thương mại có xu hướng tăng mạnh

Thương trường là chiến trường và những cuộc chiến thương mại diễn ra ngày càng nhiều hơn, khốc liệt hơn, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay. Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là các biện pháp được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do (FTA) và pháp luật của các nước cho phép sử dụng, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước. 

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thì các biện pháp phòng vệ thương mại đang trở thành công cụ quan trọng góp phần tăng cường hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời giúp DN bảo vệ quyền lợi hợp pháp, bảo vệ nền sản xuất, kinh doanh và phát triển xuất khẩu một cách bền vững. 

Về vấn đề này, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nhận định, hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng sử dụng cơ chế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa. Bên cạnh các biện pháp chống áp thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp thì các quốc gia còn sử dụng phổ biến công cụ áp dụng thuế tự vệ. Trên thực tế đã có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam điêu đứng khi vướng phải các vụ kiện thương mại tại thị trường xuất khẩu. Chắc chắn xu thế này sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới.

“Trong bối cảnh đó, việc chuẩn bị cho DN những nội dung về phòng vệ thương mại là vô cùng cần thiết và điều quan trọng hơn là các DN trong cùng ngành hàng phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, bởi các vụ kiện phòng vệ thương mại thường nhằm vào một ngành sản xuất, hiếm khi nhắm vào DN riêng lẻ” - ông Trung cho biết. 

Hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng vệ thương mại

Trong vài năm trở lại đây, nước ta đã ứng phó thành công với nhiều vụ kiện thương mại tại thị trường Mỹ, Úc, EU với các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo như tôm, cá tra, dệt may…; đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ nền sản xuất trong nước, ví dụ như đối với các sản phẩm sắt thép, phân bón…

Là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong lĩnh vực thương mại, Bộ Công thương đã nghiên cứu, xây dựng trình ban hành các cơ chế, hành lang về phòng vệ thương mại. Ví như Luật Quản lý ngoại thương đã đưa ra nội dung về phòng vệ thương mại với khuôn khổ pháp lý cụ thể và các cơ chế để tổ chức triển khai thực hiện, cả về mặt thể chế cũng như cơ sở pháp lý, nhằm triển khai thực hiện phòng vệ thương mại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các tranh chấp quốc tế.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đã thực hiện nhiều hoạt động điều tra và áp dụng thuế tự vệ cho các mặt hàng trong nước nhằm bảo vệ cho sản xuất nội địa, bảo vệ lợi ích của DN cũng như đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội địa.

Để hỗ trợ DN, Bộ Công thương đã ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, xét đến 2025”(Chương trình tổng thể về phòng vệ thương mại). Mục tiêu chính là hỗ trợ nâng cao khả năng cạnh tranh và năng lực sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại; ứng phó hiệu quả các vụ kiện phòng vệ thương mại và nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho cán bộ, công chức, nhân viên ở cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.

Trong đó, chương trình này nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam cần dựa trên việc nhận thức đầy đủ, vận dụng đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam
Quảng cáo sản phẩm