Có gì đáng lưu ý trong Nghị định về Cơ chế một cửa quốc gia?

26/11/2019 12:00 - 1276 lượt xem

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK (gọi tắt là Nghị định một cửa). Nghị định đã quy định đồng bộ, nhất quán về đối tượng, hồ sơ, quy trình khi áp dụng thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời, tạo cơ sơ pháp lý thống nhất để cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Tiền đề thực hiện cơ chế một cửa

Nghị định Một cửa quy định về việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa XNK, quá cảnh; phương tiện vận tải XNC, quá cảnh theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, quá cảnh; quản lý, vận hành, trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo đại diện Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan)- đơn vị soạn thảo Nghị định, thực hiện mục tiêu để ASEAN thành một thị trường chung, các nước thành viên ASEAN đã ký Hiệp định khung về hội nhập các lĩnh vực ưu tiên, trong đó thể hiện cam kết của các nước đối với việc xây dựng Cơ chế một cửa, bao gồm việc xử lý các chứng từ thương mại ở cấp quốc gia và khu vực (Điều 8 (F)). Hiệp định thành lập và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN cũng đã được các nước thành viên, trong đó có Việt Nam ký kết. Các nước thành viên đã hoàn thành xây dựng và ký kết Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN và đang trong thời gian thực hiện thủ tục phê chuẩn.

Để tạo tiền đề thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN thì việc xây dựng cơ chế một cửa quốc gia tại các nước thành viên là hết sức cần thiết. Ở Việt Nam, Cơ chế một cửa quốc gia đã được chính thức triển khai từ tháng 11/2014, đến nay đã kết nối chính thức 14 bộ, ngành. Thống kê đến ngày 30/9 đã có 178 thủ tục hành chính được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia với trên 2,4 triệu hồ sơ và trên 32.000 DN tham gia.

Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 6 nước gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan; Brunei và Campuchia. Tính đến ngày 30/9, Việt Nam nhận 102.647 C/O từ các nước; Việt Nam gửi sang các nước 175.358 C/O. Đồng thời, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ NN&PTNT chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (với Indonesia và Thái Lan) và chứng nhận kiểm dịch thực vật (với Indonesisa). Hiện đang phối hợp chuẩn bị thông điệp thử nghiệm và kiểm tra kết nối.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ những tồn tại, chồng chéo, bất cập từ quy định trong văn bản pháp luật chuyên ngành, cách thức thực hiện thủ công tới công tác phối hợp liên ngành như: Còn nhiều yêu cầu về thông tin, chứng từ không cần thiết, trùng lặp, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa quy trình thủ tục hành chính còn thấp; thiếu cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chia sẻ thông tin thực hiện thủ tục hành chính…. Đồng thời, các quy định tại các Hiệp định cần được nội luật hóa để bảo đảm cho việc kết nối, trao đổi thông tin với các đối tác thương mại toàn cầu. Do đó, nhằm phục vụ cho việc triển khai mở rộng, Nghị định Một cửa đã quy định đồng bộ, nhất quán về đối tượng, hồ sơ, quy trình khi áp dụng thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia.

Nghị định Một cửa được xây dựng với 43 Điều, chia thành 6 Chương. Đối với nội dung quy định về việc thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, Nghị định Một cửa tạo cơ sở pháp lý cho việc đơn giản hóa, hài hòa hóa, triển khai bằng phương thức điện tử các thủ tục hành chính đối với hàng hóa XNK, quá cảnh; người và phương tiện vận tải XNC, quá cảnh thông qua cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; việc quản lý, vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo đó, quy định về thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, gồm 7 Điều (từ Điều 11 đến Điều 17 Chương II) nội dung quy định về: đăng ký sử dụng, thu hồi tài khoản của người sử dụng hệ thống, sử dụng chữ ký số, thực hiện thủ tục hành chính, hồ sơ hành chính, việc chuyển đổi chứng từ, tiếp nhận và xử lý vướng mắc, xử lý sự cố. Quy định về thủ tục hành chính đối với hàng hóa XNK, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, gồm 12 Điều (từ Điều 18 đến Điều 27 Chương III) gồm: khai chứng từ thuộc hồ sơ hành chính, tiếp nhận xử lý thông tin khai, phản hồi kết quả, quy trình trao đổi thông tin cổng một cửa quốc gia và hệ thống xử lý chuyên ngành.

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ rất nỗ lực chỉ đạo việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mặc dù các bộ, ngành cũng đã có nhiều cố gắng trong triển khai đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng chính phủ nhưng công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa NK còn có những hạn chế: Chưa đảm bảo tính minh bạch, tính dự báo, tính nhất quán trong hệ thống pháp luật về kiểm tra chuyên ngành cũng như trong việc tổ chức thực hiện; tỷ lệ kiểm tra trong thông quan chưa giảm nhiều, kéo dài thời gian, tăng chi phí cho DN…

Mặt khác, danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành của một số bộ quy định còn nhiều, phạm vi rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã HS nên chưa thống nhất trong cách hiểu, áp dụng, gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa trong khâu kiểm tra.

Do đó, để khắc phục những bất cập, tồn tại nêu trên, đồng thời có cơ sở pháp lý để thực hiện các giải pháp mà các chuyên gia khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị định Một cửa ra đời nhằm thống nhất hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch, công khai phương pháp, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong kiểm tra chuyên ngành.

Nghị định Một cửa cũng hướng tới thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra chuyên ngành trên nền tảng kết nối thông tin qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đặc biệt, Nghị định Một cửa còn tạo cơ sơ pháp lý thống nhất để cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa, minh bạch hóa công tác kiểm tra chuyên ngành thông qua việc công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những chồng chéo, xung đột, bất cập tại các văn bản về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, tạo thuận lợi cho hàng hóa XNK.

Tại Chương III của Nghị định, gồm 12 Điều được bố cục thành 2 mục quy định về thủ tục hành chính đối với hàng hóa XNK, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và quy định kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, quá cảnh. Theo đó, nguyên tắc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK; các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành khi NK; thông quan hàng hóa XNK thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành; trách nhiệm của người khai, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, tổ chức đánh giá sự phù hợp; trách nhiệm quản lý của bộ, ngành.

Nguồn Báo Hải Quan

 
Quảng cáo sản phẩm