Cơ quan của Hoa Kỳ có thẩm quyền điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ

21/12/2022 02:24 - 215 lượt xem

Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, có nhiều cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ ở hai cấp độ:

 

(i) Các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp trong điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ bao gồm:

 

- Bộ Thương mại Hoa Kỳ (Department of Commerce - DOC)

(cụ thể là Cục Quản lý Thương mại quốc tế - International Trade Administration, ITA của Bộ này)

 

Đây là một cơ quan hành chính (Bộ) trực thuộc Chính phủ Hoa Kỳ (cơ quan hành pháp) và do đó được suy đoán ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chính sách chung của Chính phủ.

 

DOC chịu trách nhiệm:

 

+ Điều tra, xem xét liệu hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ có bán phá giá/trợ cấp hay không và nếu có thì biên độ phá giá/trợ cấp là bao nhiêu;

 

+ Ban hành lệnh áp dụng các biện pháp phòng vệ tạm thời và chính thức;

 

+ Rà soát hành chính hàng năm (administrative reviews);

 

+ Thực hiện điều tra về bán phá giá/trợ cấp/nhập khẩu ồ ạt đột biến trong các rà soát do có sự thay đổi hoàn cảnh (changed circumstances reviews), rà soát hoàng hôn/cuối kỳ (sunset reviews).

 

- Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (Internatinal Trade Commission - ITC)

 

Ủy ban này gồm 6 Ủy viên, bao gồm 3 Ủy viên từ Đảng Dân chủ và 3 từ Đảng Cộng hòa hoạt động độc lập với các Đảng phái – Nghị viện – Chính phủ và chỉ tuân thủ pháp luật. Vì vậy, các quyết định của Ủy ban này được xem là tương đối khách quan.

 

ITC chịu trách nhiệm:

 

+ Điều tra thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và trợ cấp/phá giá/nhập khẩu ồ ạt (tùy tính chất vụ việc).

 

+ Tham gia vào quá trình điều tra thiệt hại trong thủ tục rà soát lại do thay đổi hoàn cảnh và rà soát hoàng hôn (sunset reviews)

 

(ii) Các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quá trình điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ, bao gồm:

 

- Hải quan Hoa Kỳ:

 

Đây là cơ quan hành chính thuần túy thực thi các biện pháp phòng vệ (tạm thời, chính thức) theo cách thức, mức độ như đã được DOC quyết định. Không có chuyện vận động hay yêu cầu gì liên quan đến các biện pháp phòng vệ đối với Cơ quan này.

 

- Toà án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (US Court of International Trade - CIT):

 

Đây là cơ quan tư pháp, độc lập với các cơ quan khác trong hệ thống các cơ quan Hoa Kỳ nói chung và các cơ quan điều tra, áp dụng, thực thi các biện pháp phòng vệ nói riêng.

 

CIT có trách nhiệm:

 

Xét xử đơn kháng kiện của các bên liên quan đến vụ việc phòng vệ thương mại về:

 

+ Các quyết định của các cơ quan liên quan trong vụ việc phòng vệ;

 

+ Các hành vi hành chính khác của các cơ quan liên quan trong vụ việc phòng vệ.

 

Nếu một hoặc các bên không đồng ý với Phán quyết của CIT về các vấn đề liên quan thì còn có thể kháng nghị Phán quyết này đến Toà Phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ.

 

- Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (The Office of the US Trade Representative - USTR):

 

Đây là cơ quan thuộc Chính phủ Hoa Kỳ, có trách nhiệm:

 

+ Tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại quốc tế (trong đó có các hiệp định liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ)

 

+ Đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ tham gia vào các tranh chấp theo Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (trong đó có các tranh chấp liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm