Đa số các thành viên EU đã biểu quyết phản đối rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam và Trung Quốc

19/09/2008 12:00 - 1271 lượt xem

Tại cuộc họp ngày 17/9/2008 của Ủy ban về Chống bán phá giá của EU, đa số (15/27) nước thành viên EU đã phản đối việc rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam và Trung Quốc khi biện pháp này kết thúc vào ngày 7/10/2008.

Trong khi Italia cùng một số nước yêu cầu kéo dài việc áp thuế chống bán phá giá thì đa số các nước thành viên EU đã phản đối và gọi yêu cầu này là bảo hộ mậu dịch và không có cơ sở. Tuy quan điểm đa số của chuyên gia các nước thành viên EU chưa phải là quyết định cuối cùng nhưng là sức ép mạnh trong việc yêu cầu ông Peter Mandelson - Ủy viên về Thương mại của Ủy ban Châu Âu phải xem xét lại dự định rà soát cuối kỳ, mà trong thực tế sẽ làm thuế chống bán phá giá được tiếp tục áp dụng trong 12 – 15 tháng nữa.
 
 Khi được hỏi "liệu việc rà soát có được tiến hành nữa hay không?", ông Peter Power - người phát ngôn của ông Peter Mandelson đã nói "chúng tôi đang trong quá trình lĩnh hội quan điểm của các nước thành viên".
 
 Cũng trong ngày 17/9/2007, Hiệp hội công nghiệp hàng thể thao Châu Âu (FESI) lại ra thông cáo báo chí yêu cầu EU chấm dứt áp thuế chống bán phá giá giầy mũ da vì gây tổn hại cả cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp giầy hiện đại của Châu Âu.
 
 Ông Horst Widmann - Chủ tịch FESI khẳng định "việc kéo dài thuế chống bán phá giá là sự chế nhạo chính sách chống bán phá giá của EU và làm bùng nổ trở lại sự bất đồng quan điểm".
 
 FESI cho rằng áp thuế chống bán phá giá gây tổn hại cho người tiêu dùng, nền kinh tế và làm gia tăng lạm phát cũng như gây căng thẳng không cần thiết cho quan hệ của EU với Trung Quốc và Việt Nam, gây thách thức cho quan hệ thương mại đã có từ lâu với một số nhà cung cấp chủ yếu của công nghiệp giầy.
 
 FESI đề nghị Ủy ban Châu Âu và các nước thành viên Châu Âu không kéo dài thuế chống bán phá giá để bảo hộ một số ít các công ty giầy Châu Âu không có khả năng cạnh tranh.

Nguồn: Bộ Công thương
Quảng cáo sản phẩm