Danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh hoặc biện pháp phòng vệ thương mại (cập nhật đến tháng 7 năm 2022)

29/07/2022 03:58 - 148 lượt xem

1. Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Các mã HS tham khảo: 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2019

 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 662 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

 

Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11 năm 2017. Tháng 10 năm 2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo chính thức điều tra trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế (evasion) đối với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam. Tháng 6 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM (circumvention) đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Sau ba lần gia hạn, DOC dự kiến ban hành kết luận điều tra vào giữa tháng 10 năm 2022.

 

2. Tủ gỗ (Wooden cabinets and vanities) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Các mã HS tham khảo: 9403.40, 9403.60, 9403.90

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4 năm 2020

 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng khoảng 50%). Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 3% so với cùng kỳ năm trước lên gần 2,7 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

 

Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế CBPG và CTC đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 02 năm 2020 với mức thuế CBPG từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế CTC từ 13,33% đến 293,45%.

 

Căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất tủ gỗ Hoa Kỳ, cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2022, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp PVTM và có lẩn tránh biện pháp PVTM mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc hay không. Hiện tại, DOC đang tiếp nhận thông tin, ý kiến của các bên liên quan đối với những cáo buộc của nguyên đơn.

 

3. Ghế sofa có khung gỗ (Seats with wooden frames, upholstered) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Mã HS tham khảo: 9401.61

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 11 năm 2020

 

Kim ngạch của Việt Nam đã tăng nhanh từ 819 triệu USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2019 và 2,1 tỷ USD năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch của Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng. Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ. Mặt hàng này nằm trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế 25%.

 

Với tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra PVTM hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Một sản phẩm tương tự là ghế bọc đệm có mã HS 9401.40, 9401.61 và 9401.71 có xuất xứ từ Việt Nam cũng đã bị Ca-na-đa khởi xướng điều tra CBPG, CTC vào tháng 12 năm 2020. Ngày 03 tháng 8 năm 2021, cơ quan điều tra Ca-na-đa đã ban hành kết luận điều tra cuối cùng, theo đó xác định biên độ phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam là từ 9,9% đến 179,5%, và biên độ trợ cấp từ 0% đến 5,5%. Tổng mức thuế CBPG và CTC mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp là từ 9,9% đến 185% tùy từng doanh nghiệp.

 

4. Đá nhân tạo (Quartz surface products) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Mã HS tham khảo: 6810.99

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2019

 

Hoa Kỳ chính thức áp thuế đối với sản phẩm đá nhân tạo của Trung Quốc từ tháng 5 năm 2019 với mức thuế CBPG từ 265,81% đến 336,69%, mức thuế CTC từ 45,32% đến 190,99%.

 

Trong năm 2019, nhập khẩu đá nhân tạo của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018, từ 46,3 triệu USD lên 118,2 triệu USD. Đặc biệt từ thời điểm tháng 6 năm 2019 sau khi biện pháp CBPG và CTC chính thức được áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc, nhập khẩu đá nhân tạo từ Việt Nam đã tăng rất mạnh. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch của Việt Nam đạt 329 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng. Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 18,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

 

Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sang Hoa Kỳ trước khi bị áp dụng biện pháp CBPG còn thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên rất có khả năng trong tương lai gần Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tra CBPG, CTC hoặc điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm đá nhân tạo của Việt Nam.

 

Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Cơ quan Hải quan và Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đang điều tra một công ty bị cáo buộc trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế CBPG/CTC mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc thông qua việc chuyển tải sản phẩm này qua Việt Nam.

 

5. Gạch men (ceramic tile) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Các mã HS tham khảo: 6907.21, 6907.22, 6907.23, 6907.30, 6907.40

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2020

 

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạch men của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng nhanh, từ 269 nghìn USD năm 2018 lên tới 2,8 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch của Việt Nam đã đạt 23 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ còn nhỏ, mới chỉ chiếm 1,1%.

 

Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 4 năm 2020.

 

Dự báo xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới trong bối cảnh xuất khẩu gạch men của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh vì bị áp thuế CBPG và CTC. Vì vậy, cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ và tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và các biện pháp PVTM đối với mặt hàng này.

 

6. Xe đạp điện (Electric bicycles) xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU

 

Mã HS tham khảo: 8711.60

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 2 năm 2019

 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng từ 74 triệu Euro năm 2018 lên 87,5 triệu Euro năm 2019 và giảm nhẹ xuống còn 83,6 triệu Euro năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng kể từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 18,8 triệu EUR, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 36,4 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ còn thấp, mới chỉ chiếm 2,5% trong giai đoạn tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022.

 

Xe đạp điện của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế CBPG và CTC và bị thị trường Hoa Kỳ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974. Trong thời gian qua, thông qua việc đưa mặt hàng này vào danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát và ngăn chặn một số trường hợp doanh nghiệp kê khai không chính xác về xuất xứ đối với sản phẩm xe đạp điện.

 

Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) đang điều tra 3 công ty đầu tư tại Việt Nam với cáo buộc các công ty này lẩn tránh thuế CBPG, CTC mà EU đang áp dụng với Trung Quốc.

 

7. Vỏ bình ga (Steel propane cylinders) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Mã HS tham khảo: 7311.00

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2019

 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 30.000 USD năm 2018 lên 3 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch của Việt Nam tiếp tục tăng 122% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27,9 triệu USD. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng. Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 5,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

 

Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng thuế CBPG đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 8 năm 2019.

 

Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chưa lớn nhưng cần kiểm tra, xác minh thêm khả năng gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM đối với mặt hàng này.

 

8. Ghim đóng thùng (Carton-closing staples) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Mã HS tham khảo: 7317.00, 8305.20

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4 năm 2020

 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 98.000 USD năm 2018 lên 1,9 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch của Việt Nam đạt 17,1 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng giảm. Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

 

Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng thuế CBPG đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 3 năm 2018.

 

Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam giảm trong ba tháng cuối năm 2021 và tháng 1 năm 2022 nhưng tháng 2 và tháng 3 năm 2022 lại có xu hướng tăng. Hiện tại, nhập khẩu từ Việt Nam đã chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Do đó, bên cạnh hoạt động giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ cần tiếp tục lưu ý khả năng bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với mặt hàng này.

 

9. Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục (Wood mouldings, millwork products) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Mã HS tham khảo: 4409.10, 4409.22, 4409.29

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 8 năm 2021

 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng từ tháng 11 năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 59 triệu USD, tăng 236% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh từ tháng 7 năm 2021. Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

 

Mặc dù tỷ trọng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ còn thấp nhưng Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với mặt hàng tương tự của Trung Quốc từ tháng 12 năm 2020 với mức thuế suất tương đối cao (thuế CBPG thấp nhất là 33,87%, thuế CTC thấp nhất là 20,56%) nên cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ đối với mặt hàng này để ngăn chặn các hành vi gian lận có thể xảy ra nhằm hưởng lợi từ chênh lệch thuế.

 

10. Pin năng lượng mặt trời (Solar panels) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Mã HS tham khảo: 8501.61.0010, 8507.20.80, 8541.40.6015, 8541.40.6025, và 8501.31.8010

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 9 năm 2021

 

Kể từ tháng 02 năm 2018, mặt hàng này đã bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ chung đối với hàng hóa có xuất xứ từ tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Thời gian áp dụng biện pháp là 04 năm. Tháng 02 năm 2022, Hoa Kỳ đã ra quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ nêu trên thêm 04 năm.

 

Hoa Kỳ cũng đang duy trì biện pháp CBPG và CTC với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2012, với mức thuế CBPG là 15,85-238,95%, và mức thuế CTC là 11,97-15,24%. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu tăng nhanh từ tháng 6 năm 2019.Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 25% trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ.

 

Ngày 28 tháng 3 năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam, do cáo buộc Việt Nam lẩn tránh thuế CBPG và CTC mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Vụ việc đang trong quá trình điều tra.

 

Ngày 06 tháng 6 năm 2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến thiếu hụt nguồn cung tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời trong nước để phục vụ sản xuất điện mặt trời, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện nhằm đạt được mục tiêu phát triển năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ.

 

Theo đó, Tổng thống Hoa Kỳ giao Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ xem xét có hành động phù hợp cho phép miễn thuế CBPG, CTC và thuế chống lẩn tránh thuế CBPG, CTC (nếu có) đối với các sản phẩm tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 04 quốc gia Đông Nam Á (gồm Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Thái lan và Việt Nam) với thời hạn là 24 tháng kể từ ngày tuyên bố hoặc đến khi tình trạng khẩn cấp được bãi bỏ (tùy theo thời điểm nào đến trước). Hiện, DOC chưa có thông báo chính thức về nội dung này. Pin năng lượng mặt trời là một ngành được Hoa Kỳ quan tâm và bảo vệ. Đây cũng là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, với các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, do đó, đây là mặt hàng cần tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra PVTM trong thời gian tới.

 

11. Thép các-bon chống ăn mòn (CORE) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Mã HS tham khảo: 7210, 7212, 7215, 7217, 7225, 7226, 7228, 7229

 

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 3 năm 2022

 

Ngày 17 tháng 11 năm 2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận đơn của ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra lẩn tránh thuế CBPG đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sản xuất từ thép cán nguội (CRS) và thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Nhật Bản (đang bị áp thuế CBPG lần lượt là 71,35% và 26,81%).

 

Trước đó, vào năm 2018, Hoa Kỳ đã điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG với thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Trung Quốc, Đài Loan – Trung Quốc và Hàn Quốc và áp thuế chống lẩn tránh với các nước này (mức thuế áp dụng là từ 10,34% đến 456%). Tuy nhiên, nếu chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước/vùng lãnh thổ ngoài 03 nguồn trên sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (tức là không phải nộp thuế).

 

Ngày 20 tháng 12 năm 2021, DOC đã thông báo không khởi xướng điều tra vụ việc, do cho rằng đơn kiện không có đủ căn cứ để khởi xướng.

 

Theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ (USITC), trong năm 2021, lượng nhập khẩu thép CORE từ Việt Nam tăng đột biến, đạt khoảng 335.000 tấn, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 635 triệu USD, tăng 509% so với cùng kỳ năm trước đó, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 12% trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ trong giai đoạn tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022.

 

Tuy DOC quyết định không điều tra lẩn tránh thuế CBPG đối với thép CORE của Việt Nam sử dụng nguyên liệu là thép nền nhập khẩu từ Nhật Bản nhưng với những diễn biến trước đây đối với mặt hàng này, sản phẩm của Việt Nam tiếp tục là đối tượng cần cảnh báo trong thời gian tới.

 

12. Ống thép (Pipe and Tube) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Các mã HS tham khảo: 7306.30, 7306.60

 

Sản phẩm mới được cập nhật trong danh sách cảnh báo

 

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2020 khoảng 40 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 40% lên khoảng 57 triệu USD. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 62,8 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước đó, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 5,6% trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ trong giai đoạn tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022.

 

Hoa Kỳ đã áp thuế CBPG/CTC với sản phẩm: (i) ống thép các-bon dạng tròn có đường hàn nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế CBPG từ 249,12% đến 264,64% và mức thuế CTC từ 2,17% đến 200,58% từ năm 2008; và (ii) ống thép dạng vuông nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế CBPG từ 69,20 đến 85,55% và mức thuế CTC từ 29,57 đến 615,92% từ năm 2008.

 

Đây là mặt hàng mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Hiện Hoa Kỳ đang xem xét 07 đơn kiện của cùng nguyên đơn, cùng cáo buộc sử dụng HRS từ các nguồn khác nhau (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Ấn Độ) để sản xuất ống thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Hiện nay, Hoa Kỳ đang duy trì thuế CBPG/CTC với ống thép từ 11 nền kinh tế (bao gồm 4 nguồn nói trên), nên có thể sẽ còn phát sinh thêm các vụ việc tương tự trong tương lai. Trong bối cảnh Hoa Kỳ gia tăng điều tra chống lẩn tránh thuế, cần tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và các biện pháp PVTM đối với mặt hàng này.

 

Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại

Quảng cáo sản phẩm