Dệt may hướng đến thị trường Nhật

28/04/2009 12:00 - 1033 lượt xem

Trong khi xuất khẩu dệt may sang nhiều thị trường truyền thống khác đang giảm mạnh do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, thì một số doanh nghiệp xuất sang Nhật lại làm không hết việc do tận dụng được những lợi thế từ thị trường này mang lại.


Đến phân xưởng sản xuất của Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 thời điểm này đâu đâu cũng thấy mặt hàng quần jean, kaki trên bàn máy của công nhân. Toàn bộ 800.000 sản phẩm này đang được Sài Gòn 3 thực hiện cho các đối tác lớn từ Nhật. “Khoảng 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD từ đầu năm 2009 đến nay là từ thị trường Nhật. Đây là thị trường duy nhất không sụt giảm về lượng đơn đặt hàng cũng như giá bán sản phẩm” - ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch HĐQT công ty, khẳng định.

Chữ “nhẫn” hàng đầu

Ông Hồng cho biết không ít lần công ty “chao đảo” khi ở một số thời điểm thị trường Mỹ và EU nổi lên với số lượng đơn đặt hàng lớn, rồi những đòi hỏi khắt khe của bạn hàng Nhật về độ khó của sản phẩm... Nhưng khi đã vượt qua những khó khăn ban đầu đó, đạt được sự tín nhiệm nhất định của khách hàng Nhật thì việc “cam kết đặt hàng dài hạn, ổn định với đối tác Nhật gần như là chắc chắn” - ông Hồng khẳng định.

Không chỉ Sài Gòn 3 có thay đổi rõ rệt về sự xác định lại cơ cấu thị trường trọng điểm, một số doanh nghiệp lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú... cũng có những đơn hàng lớn về áo sơmi, veston, khăn các loại xâm nhập thị trường Nhật với số lượng ngày một vững chắc. “Khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, những ngành xuất khẩu chủ lực mới thấm thía “bạn hàng lâu năm” có tầm quan trọng và giữ mức ảnh hưởng như thế nào trong việc duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp” - phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến Phan Văn Kiệt xác nhận.


Giữ đến 33% trong cơ cấu thị phần xuất khẩu hiện nay, xếp trên cả thị trường Mỹ và EU, ông Kiệt cho biết công ty đã có những chuyển dịch rất lớn khi chọn thị trường Nhật trở thành thị trường khai thác tiềm năng của mình kể từ cuối năm 2007. Từ những lô hàng áo sơ mi, quần Âu, veston gia công ban đầu, Việt Tiến đã dần chuyển sang thực hiện FOB với phần nguyên phụ liệu tự lo. “Không như những thị trường khác có mức độ rủi ro và tính bấp bênh rất cao, thị trường Nhật thể hiện sự ổn định, tính lâu dài nếu nhà sản xuất đã lọt được vào mắt xanh của khách đặt hàng Nhật” - ông Kiệt nhận xét.

Tận dụng cơ hội thế nào?

Ngay khi hiệp định đối tác kinh tế song phương Việt - Nhật (VJEPA) có hiệu lực với mức thuế suất nhập khẩu hàng dệt may từ VN vào Nhật từ mức 5-10% xuống còn 0%, Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) lẫn Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) đã có nhiều ký kết hợp tác quan trọng với một số tập đoàn dệt may lớn của Nhật như Shikibo và Mitsui.

Theo ông Lê Quốc Ân - chủ tịch Vitas kiêm chủ tịch HĐQT Vinatex, lý do để Vitas lẫn Vinatex đi đến hợp tác trên nhằm tận dụng những ưu thế mà trong tương lai gần, ngành dệt may trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng những đơn hàng từ Nhật do có những lợi thế nhất định. “Xu hướng khách đặt hàng từ Nhật chuyển đơn hàng từ các nước sang VN là vì họ đánh giá tính ổn định cũng như trình độ tay nghề của nhân công VN rất cao” - ông Ân nói.

Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế nói trên nhằm được hưởng mức thuế suất 0% đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải chủ động được khâu cung ứng nguyên phụ liệu. Quy định chỉ cho doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên phụ liệu từ VN, Nhật hoặc các nước trong ASEAN nhưng do Nhật chưa có các hiệp định hợp tác song phương với Indonesia và Thái Lan như đã ký với VN nên để hưởng được mức thuế hấp dẫn trên, vấn đề giải quyết nguồn cung nguyên phụ liệu hoàn toàn không đơn giản.

Theo Vitas, trong vòng năm năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu dệt may VN sang Nhật tăng trên 1,5 lần, mức tăng trung bình trên 11%, từ 530 triệu USD (2004) lên 820 triệu USD (2008). Quý 1-2009, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật đạt khoảng 210 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm