Dệt may hụt hơi với mục tiêu xuất khẩu năm 2016

21/07/2016 12:00 - 991 lượt xem

Khó khăn liên tiếp về tỉ giá, lãi suất, tiền lương tối thiểu... hay cả những yếu tố vĩ mô như Brexit đang tác động nặng nề tới ngành dệt may khiến đại diện ngành này cho rằng sẽ không thể cán đích 30 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu năm 2016 như mục tiêu đề ra.
Trong buổi Họp báo “Tình hình dệt may 6 tháng đầu năm 2016: Những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ” diễn ra ngày 21-7 tại Hà Nội, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), cho hay tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 12,67 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng trưởng kỳ vọng và chỉ đạt 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm.
Đáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may 6 tháng đầu năm chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp ngành dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.
Theo Vitas, trước mắt các doanh nghiệp vẫn có thể khắc phục được tình trạng thiếu đơn hàng nhưng từ tháng 8 trở đi, đơn hàng có vẻ “đuối”, đặc biệt nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa  có thể phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. Tình trạng này kéo dài, nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành cũng khó đạt con số 29 tỉ đô la Mỹ.
Lý giải thực trạng trên, ông Giang cho hay, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đuối hơn so với các doanh nghiệp tại Campuchia, Bangladesh do họ có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước như Mỹ, châu Âu nên được hưởng thuế xuất thấp hơn. Bên cạnh đó, lương tối thiểu ở các nước như Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka cũng thấp hơn Việt Nam.
Vừa rồi, ngay cả Trung Quốc, trước bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp dệt may ngừng hoạt động, nước này đã giảm tỉ lệ đóng BHXH từ 22% xuống còn 18% khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với Trung Quốc.
Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu cũng đang ảnh hưởng tới ngành dệt may. Ví dụ như sự kiện Brexit đã ngay lập tức tác động tới ngành dệt may. Nhiều doanh nghiệp dệt may của Anh đầu tư tại Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu ngược lại sang Anh cũng đang tính bán nhà máy vì không cạnh tranh nổi.
Theo ông Giang, từ đầu năm tới nay, đơn giá gia công chỉ có giảm, không tăng. Trong khi đó, số lượng đơn hàng chuyển sang các thị trường khác rất nhanh. Có những đơn hàng đã ở Việt Nam rồi nhưng đối tác vẫn chuyển đi gia công ở các nước khác có chi phí thấp hơn.
Cũng có mặt tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), cho hay khó khăn của ngành dệt may bắt nguồn từ ba yếu tố.
Thứ nhất là do chính sách tỉ giá của Việt Nam ổn định và neo vào đồng tiền mạnh như đô la Mỹ, trong khi các đồng tiền khác ở những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đã điều chỉnh rất mạnh. Ví dụ đồng Euro đã mất 18% giá trị; Nhật Bản 17%; Trung Quốc 8%....Đồng thời, các nước xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như các nước Asean, Ấn Độ, Bangladesh cũng giảm giá đồng tiền của họ từ 10-20%.
Bên cạnh tỉ giá, tiền lương tối thiểu liên tục tăng cũng đã làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp; giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, lãi vay ngân hàng quá cao ở mức 8-10%, gấp từ 2 đến 3 lần so với các nước đối thủ khác làm chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng, đẩy giá thành hàng hóa Việt Nam.
Tổng hợp ba yếu tố trên đã khiến hàng hóa Việt Nam đắt hơn các nước đối thủ cạnh tranh hàng dệt may Việt Nam từ 20-30%.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm