Dệt may VN có được hưởng hơn tỉ đô tiền thuế nhờ TPP?

26/01/2016 12:00 - 1332 lượt xem

(TBKTSG) - Doanh nghiệp dệt may Việt Nam không trực tiếp hưởng lợi từ khoảng hơn 1 tỉ đô la tiền thuế bán hàng vào Mỹ nhờ TPP như các quan chức tuyên bố…

Số tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày Việt Nam đang phải đóng tại Mỹ lớn hơn tất cả thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải đóng cộng lại. TPP giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm hơn 1 tỉ đô la Mỹ tiền thuế đóng cho hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Đây là một số thông tin về lợi ích từ TPP được không ít quan chức Việt Nam tuyên bố tại các hội thảo, hội nghị và được báo chí trích lại.

Những ý kiến này có thể bắt nguồn từ việc, hiện thuế suất trung bình mà hàng dệt may Việt Nam đang phải chịu khi xuất khẩu vào Mỹ là trên 17%. Theo đó, với việc kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 10 tỉ đô la Mỹ (trong năm 2014), hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ phải chịu trên 1,7 tỉ đô la tiền thuế. Với TPP, hàng dệt may của Việt Nam sẽ được xóa bỏ ngay một số dòng thuế và giảm dần đối với các dòng thuế còn lại, tức hàng dệt may của Việt Nam nhìn chung sẽ không phải chịu hơn 1 tỉ đô la Mỹ tiền thuế này.

Tuy nhiên, lợi ích thực sự mà TPP đem lại cho ngành dệt may Việt Nam trên thực tế không phải như vậy, vì tiền thuế này không phải do doanh nghiệp xuất khẩu may mặc tại Việt Nam đóng, mà là các nhà nhập khẩu của Mỹ, nên họ mới chính là những người hưởng lợi khi không phải đóng số tiền thuế này.

Vậy doanh nghiệp Việt Nam có được đối tác tại Mỹ tăng giá mua vào, tức chia sẻ một phần lợi ích là phần cắt giảm thuế mà TPP đem lại không? Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Saigon (Garmex Saigon), so với một số thị trường chính khác, trước mắt, trong năm 2016 những khách hàng truyền thống tại Mỹ có chiều hướng chưa giảm giá đặt doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, như những đối tác châu Âu. Nguyên nhân có thể là tình hình kinh tế của Mỹ hiện tốt hơn thị trường châu Âu.

Còn việc doanh nghiệp Mỹ có tăng giá đặt hàng cho doanh nghiệp may mặc Việt Nam không, thì câu trả lời có thể là không. Ông Hùng cho rằng, khách hàng Mỹ sẽ cố gắng thu lợi tối đa từ việc giảm thuế nhờ TPP. Tuy nhiên, nhờ giảm thuế này, lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng, và khi ấy, nhu cầu đặt may tại Việt Nam sẽ tăng lên, trong khi khả năng cung ứng tại Việt Nam lại có hạn. Do đó, vì cạnh tranh lẫn nhau, có thể doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng giá, tùy thuộc vào tình hình và thời điểm (mùa cao điểm - PV).

Ngoài ra, ông Hùng dẫn thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết trong kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, có đến 70% thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 30% của doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch ngành may năm 2015 dự kiến đạt 23 tỉ đô la Mỹ, theo đó chỉ có 7 tỉ đô la Mỹ đến từ xuất khẩu của doanh nghiệp may mặc Việt Nam. (Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15-12-2015, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam đạt 21,57 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước đó.)

Điều đáng nói hơn là, hiện 85% doanh nghiệp may mặc Việt Nam vẫn thực hiện theo phương thức gia công (tức trong 7 tỉ đô la Mỹ trên, hết 5,95 tỉ đô la Mỹ kim ngạch đến từ doanh nghiệp gia công - PV). Như vậy, kim ngạch thực nhận chưa đến 1,5 tỉ đô la Mỹ vì giá gia công chỉ chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm. Hay nói khác đi, phần lớn giá trị còn lại “vào túi” các công ty nước ngoài giao cho doanh nghiệp Việt Nam gia công.

Trong khi đó, với chi phí đầu vào hiện nay, các doanh nghiệp gia công lãi bình quân chỉ 2%/doanh thu. Nếu doanh nghiệp Việt Nam thực hiện phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), mức lợi nhuận lên đến 5%/doanh thu, theo đó lợi nhuận ngành cũng sẽ cao hơn và mức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách cũng cao hơn nhiều so với hình thức gia công.

Ông Hùng cũng đặt ra một vấn đề khác là, với xu thế như hiện nay có vẻ như miếng bánh dành cho doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ. Cụ thể, ông Hùng cho biết đa phần các công ty FDI vào Việt Nam trong ngành dệt may là những công ty toàn cầu có xu hướng đầu tư khép kín từ kéo sợi đến thành phẩm may mặc, còn các công đoạn thiết kế, phân phối do công ty mẹ đảm nhận.

Kể cả những công ty FDI đã đầu tư tại Việt Nam hiện cũng chuyển dịch theo xu thế này, như Formosa, Bamboo... Xu thế này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty FDI vì giúp họ có giá thành thấp, thời gian thực hiện đơn hàng ngắn, và cạnh tranh tốt trong thu hút lao động nhờ sản xuất ổn định. Ông Hùng cho rằng điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ gặp bất lợi, ngoại trừ một số doanh nghiệp có tiềm lực mạnh.

Cũng với xu hướng đầu tư khép kín này của FDI, nguồn cung nguyên liệu trong nước có khả năng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng của các doanh nghiệp và sẽ tạo cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực cung ứng nguyên liệu theo yêu cầu xuất xứ (của các hiệp định như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu, TPP).
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Quảng cáo sản phẩm