Điều kiện áp dụng biện pháp chống trợ cấp ở EU?

09/12/2022 03:23 - 13 lượt xem

Biện pháp chống trợ cấp (hay còn gọi là biện pháp đối kháng) là biện pháp phòng vệ thương mại được EU sử dụng để đối phó với hiện tượng hàng nước ngoài được trợ cấp của chính phủ nhập khẩu vào EU gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của EU.

 

Trợ cấp ở đây được hiểu là các khoản hỗ trợ về tài chính hoặc tương tự, mang tính riêng biệt, do chính phủ nước xuất khẩu hoặc đơn vị được chính phủ ủy nhiệm thực hiện đem lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đây được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bởi nó khiến hàng hóa của doanh nghiệp khi xuất vào EU có giá thấp, không phản ánh đúng trị giá, mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu so với hàng hóa do ngành sản xuất nội địa EU sản xuất ra.

 

Các điều kiện cần  có để áp dụng biện pháp chống trợ cấp ở EU

 

  1. Hàng hóa nhập khẩu liên quan vào EU được trợ cấp;
  2. Ngành sản xuất sản phẩm liên quan nội địa chịu thiệt hại đáng kể (hoặc bị đe dọa thiệt hại đáng kể);
  3. Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu hàng được trợ cấp và thiệt hại của ngành sản xuất nội địa;
  4. Việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp là phù hợp với lợi ích của Cộng đồng.

 

Lưu ý với doanh nghiệp

 

So với các điều kiện áp thuế trong WTO thì các điều kiện áp thuế của EU bổ sung thêm một điều kiện bắt buộc theo đó việc áp dụng biện pháp phòng vệ “phải phù hợp với lợi ích của Cộng đồng”. Như vậy, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại EU về nguyên tắc là khó hơn, và do đó có lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài. Cụ thể, doanh nghiệp có thể:

 

- Chứng minh rằng việc áp thuế là đi ngược lại lợi ích của Cộng đồng (trong đó có người tiêu dùng, các ngành sản xuất hạ nguồn down-stream, các nước thành viên chủ yếu nhập khẩu mặt hàng liên quan); từ đó thoát khỏi việc bị áp thuế;

 

- Vận động các chủ thể có cùng lợi ích với mình (các nhà nhập khẩu, đại diện người tiêu dùng, các nhà chính trị có thiện chí với Việt Nam…) để họ lên tiếng bênh vực việc nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam; từ đó thuyết phục cơ quan có thẩm quyền rằng việc áp thuế đi ngược lại lợi ích của Cộng đồng.

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm