Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn với FTA

31/12/2015 12:00 - 1235 lượt xem

(HQ Online) - Có thể nói rằng chỉ trong 20 năm, kinh tế của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng hơn nhiều thế kỷ trước đó. Và trong 20 năm nay, 2015 là năm đánh dấu nhiều thành tựu rực rỡ nhất.

Những thỏa thuận kinh tế nổi bật
Hiệp định thương mại tự do (FTA) đáng chú ý đầu tiên là FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA). Với FTA này, hàng XK của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới, nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của đối tác. Trong khi đó, các DN Hàn Quốc cũng được khuyến khích hơn trong việc đầu tư vào Việt Nam, nhờ môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng hơn.
FTA nổi bật nữa là FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan.Với cả 3 quốc gia trên, đây là FTA đầu tiên mà Liên minh ký kết với một quốc gia bên ngoài. Mới đây nhất, FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc đàm phán. Điều đáng nói, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào năm 2018, dự kiến sẽ là một cú hích cho sự phát triển quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt nam và 28 nước EU.

FTA lớn nhất đối với Việt Nam trong năm qua là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ XXI vì đã đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, DN Nhà nước, DN vừa và nhỏ…

Được mong chờ từ rất lâu, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chỉ còn mấy ngày nữa sẽ chính thức hình thành. Khác với các thị trường chung khác, việc hình thành AEC nhằm tới những mục đích lớn hơn nhiều. Đây sẽ là một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hoá; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.

Thách thức không nhỏ
Cần phải hiểu rằng, FTA Việt Nam ký trong thời gian qua đều là những FTA thế hệ mới. So với FTA truyền thống tập trung vào thương mại hàng hóa, cam kết của FTA thế hệ mới phủ rộng, bao trùm nhiều vấn đề mới như:  DN Nhà nước, mua sắm công, hải quan, phát triển bền vững… và các vấn đề phi thương mại như bảo vệ môi trường, lao động…

Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá 5 năm gia nhập WTO và thực thi các FTA tại Việt Nam của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những điểm yếu nhất lại là việc sử dụng các biện pháp phòng vệ được phép như thuế quan, phi thuế quan, các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá… Thậm chí, ngay cả công cụ phòng vệ là độ trễ trong thời gian thực hiện cam kết cũng chưa được tận dụng tối đa. Chính những yếu kém này đã gây nên những hạn chế trong việc lựa chọn, xây dựng và thực thi chính sách, phân bổ nguồn lực trong phát triển một số ngành công nghiệp như ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến…

Trong khi đó, không gian chính sách để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam sẽ ngày càng bị bó hẹp, tương ứng với những cam kết hội nhập sâu rộng. Các biện pháp bảo hộ kiểu cũ như phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật sẽ không còn đất thực hiện, thay vào đó là những biện pháp mới tinh vi hơn, đòi hỏi năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, sự kết hợp hài hòa giữa chính sách trong nước và các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam còn quen kinh doanh dựa trên quan hệ, ưu đãi, khả năng thích ứng với kinh tế thị trường còn hạn chế, chưa chủ động khai thác cơ hội, lợi thế từ các hiệp định mới. Các FTA mới đòi hỏi DN phải thích ứng với môi trường kinh doanh chuẩn mực, nên chỉ những DN có kiến thức và kỹ năng kinh doanh tiên tiến mới có cơ hội phát triển. Do đó, nếu các DN "an phận gia công" chỉ làm lợi ích tổng thể của nền kinh tế bị thua thiệt, đồng thời làm tăng gánh nặng lên điều hành kinh tế vĩ mô.

Hơn nữa, thách thức của các DN còn đến từ sự gia tăng cạnh tranh với các nước thành viên các FTA vừa ký kết. Hiện tại, DN Việt Nam vẫn được bảo vệ khá chặt chẽ bởi mức thuế cao nhưng trong các FTA sự bảo hộ này sẽ không còn nữa. Vì thế, nhiều DN sản xuất nhỏ, manh mún sẽ không có khả năng cạnh tranh trước những đối thủ có kinh nghiệm và truyền thống sản xuất lớn.

Đặc biệt, yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ trong các FTA khắc nghiệt hơn nhiều. Các DN còn quá ít hiểu biết về sở hữu trí tuệ nên nguy cơ "hầu tòa" do vi phạm luật sở hữu trí tuệ là hiện hữu. Hơn nữa, các đòi hỏi tăng cường mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu thương mại có thể đưa giá thuốc leo thang, tạo ra gánh nặng y tế đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Không chỉ có vậy, các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan đến sinh học còn tác động đến nông nghiệp, nơi sinh sống của trên 60% dân số Việt Nam. Giá các loại nông hóa phẩm như thuốc thú y, phân bón... theo đó sẽ tăng lên đáng kể, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp nói chung.

Vì vậy, những thành tựu trong việc ký kết, giao thương với các nước trên thế giới thời gian qua của Việt Nam rất đáng khích lệ nhưng cũng đòi hỏi Nhà nước và các DN phải có sự chuẩn bị để đối phó với những thách thức trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội)
Nguồn: Hải Quan Online
Quảng cáo sản phẩm