Doanh nghiệp xuất khẩu tôm làm gì trước nguy cơ chịu thuế chống trợ cấp của Mỹ?

08/04/2024 05:10 - 9 lượt xem

Các doanh nghiệp cần chuẩn bị và hợp tác tốt với DOC trong đợt thẩm tra sắp tới cũng như nêu các quan điểm, bình luận đối với Kết luận sơ bộ của DOC trong trường hợp có điểm chưa hợp lý.


Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo thông báo gần đây của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam - 3 trong số 4 nguồn cung tôm nuôi lớn nhất của Mỹ, có thể sẽ buộc phải trả thuế chống trợ cấp sơ bộ, dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.Mức thuế suất sẽ có hiệu lực ngay khi DOC công bố lên Công báo liên bang (Federal Register), dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới.


Thuế sẽ được hoàn lại nếu các nhà điều tra xác định rằng, các nước này không vi phạm cung cấp trợ cấp bất hợp pháp hoặc nếu hàng nhập khẩu được trợ cấp không gây tổn hại cho ngành tôm của Mỹ.


Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm 2024, đồng nghĩa các nhà xuất khẩu tôm vào Mỹ có thể sẽ phải gánh mức chi phí chịu thuế trong suốt giai đoạn trước đó.


Ngay khi DOC công bố quyết định lên Công báo liên bang, các nhà xuất khẩu tôm từ Việt Nam sẽ phải đặt cọc mức thuế từ 2,84%. Cụ thể, yêu cầu đặt cọc với Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng là 2,84%, với Công ty Thông Thuận là 196,41%; và 2,84% với tất cả nhà cung cấp khác.


Được biết, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam là 4 quốc gia mục tiêu của DOC trong đợt rà soát lần này, chiếm 90% trong tổng số 788.209 tấn tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ năm 2023. Trong đó, Ấn Độ xuất khẩu 296.243 tấn tôm sang Hoa Kỳ, Ecuador là 205.684 tấn, Indonesia 146.258 tấn và Việt Nam là 61.516 tấn.


Tương tự Việt Nam, tôm của Ecuador cũng phải chịu thuế chống trợ cấp và đặt cọc ở mức 1,69 - 13,41%, trong khi các nhà xuất khẩu tôm từ Ấn Độ sẽ phải đặt cọc mức thuế từ 3,89 - 4,72%. Các nhà xuất khẩu tôm của Indonesia chịu mức thuế chưa tới 1% nhưng không phải đặt cọc.


Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngay từ đầu vụ việc, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều tra 40 chương trình/chính sách của Chính phủ Việt Nam, thuộc các nhóm: Chương trình cho vay và bảo đảm; chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; chương trình miễn các khoản phải thu; chương trình ưu đãi về đất; chương trình tài trợ. Đáng lưu ý, Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra một loạt các chương trình thuộc Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình Phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Ngày 5 và 23/2/2024, DOC tiếp tục tiến hành điều tra thêm một số chương trình mới, dựa trên đề nghị của nguyên đơn Hoa Kỳ, liên quan đến: thuế thu nhập, miễn tiền thuê đất; cung cấp các dịch vụ điện, nước, xử lý nước thải và viễn thông thấp hơn giá trị thông thường và cung cấp tôm bố mẹ, tôm giống và thức ăn nuôi tôm thấp hơn giá trị thông thường. Điều này khiến số lượng các chương trình bị điều tra trong vụ việc này (gần 50 chương trình) lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.


Trong kết luận sơ bộ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định 24/gần 50 chương trình bị điều tra là trợ cấp có thể đối kháng, 13 chương trình không phải là trợ cấp có thể đối kháng. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng tạm thời chưa đưa ra kết luận sơ bộ đối với 12 chương trình do Bộ Thương mại Hoa Kỳ cần thêm thời gian để thu thập thông tin và đánh giá về các chương trình này.


Sau khi Kết luận sơ bộ được ban hành trên Công báo liên bang, Cơ quan hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) sẽ tiến hành yêu cầu đặt cọc đối với các lô hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ theo mức thuế chống trợ cấp sơ bộ nêu trên.


Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại cho biết, DOC sẽ tiến hành thẩm tra nhằm xác minh các thông tin mà Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Đây là một trong những căn cứ để ban hành Kết luận cuối cùng, đưa ra mức thuế chính thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.


Các bên liên quan cũng có thể nộp bình luận đối với Kết luận sơ bộ hoặc các quan điểm về vụ việc không muộn hơn 7 ngày sau ngày báo cáo thẩm tra cuối cùng được ban hành trong vụ việc này. Bản phản biện đối với bình luận của các bên khác được nộp không muộn hơn 5 ngày sau thời hạn nộp bình luận ban đầu.


Ngoài ra, các bên liên quan cũng có thể gửi yêu cầu bằng văn bản cho DOC đề nghị tổ chức phiên điều trần, giới hạn trong phạm vi các vấn đề đã nêu trong bình luận và phản biện, trong vòng 30 ngày kể từ ngày DOC ban hành thông báo Kết luận sơ bộ. Dự kiến DOC ban hành Kết luận cuối cùng về trợ cấp chậm nhất vào ngày 5/8/2024 (trừ khi gia hạn thêm). Tiếp đó, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ sẽ ban hành Kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vòng 45 ngày kể từ ngày DOC ban hành Kết luận cuối cùng.


Do vậy, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp chuẩn bị và hợp tác tốt với DOC trong đợt thẩm tra sắp tới cũng như nêu các quan điểm, bình luận đối với Kết luận sơ bộ của DOC trong trường hợp có điểm chưa hợp lý hoặc chưa tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bởi việc chuẩn bị và tham gia tích cực của doanh nghiệp trong đợt thẩm tra cũng như các bình luận/phản biện của doanh nghiệp sẽ có tác động trực tiếp tới Kết luận cuối cùng của DOC.


Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Quảng cáo sản phẩm