Dự kiến áp dụng cấp C/O cho hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ 1/10/2008

13/10/2008 10:07 - 1212 lượt xem

Để hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ phát triển bền vững, 9 Cat. hàng dệt may 338, 339, 340, 341, 345, 347,348, 352, 652 sẽ đựơc cấp C/O khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Bộ Công thương lấy ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp cho 2 phương án thực hiện để việc cấp C/O đem lại thuận lợi và hiệu quả. Ngày 09 tháng 09 năm 2008, Bộ Công Thương đã có văn bản số 7988/BCT-XNK về việc cấp C/O bắt buộc đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Bộ Công Thương nhận được công văn số 152/HHDMVN ngày 14 tháng 8 năm 2008 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại về việc triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm giám sát chặt chẽ 09 Cat. hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ (338, 339, 340, 341, 345, 347,348, 352, 652) là những Cat đang có xu hướng giảm giá với đơn giá bằng hoặc thấp hơn mức giá của các nước CAFTA (các nước tham gia Hiệp định tự do thương mại Trung Mỹ).

Chương trình giám sát hàng dệt may Việt Nam của Hoa Kỳ đã thực hiện được hơn 18 tháng và sau hai lần rà soát số liệu Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đều công nhận không tìm thấy bằng chứng để tự khởi động điều tra chống bán giá đối với hàng dệt may Việt Nam. Mặc dù Chính quyền Hoa Kỳ cam kết Chương trình giám sát sẽ chấm dứt khi hết nhiệm kỳ Chính quyền hiện nay nhưng gần đây các lực lượng bảo hộ hàng dệt may Hoa Kỳ đang tích cực vận động nhằm kéo dài Chương trình này đối với Việt Nam.

Căn cứ nội dung trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và theo đề nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhằm bảo đảm việc xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam phát triển bền vững  Bộ Công Thương dự kiến triển khai việc uỷ quyền Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp C/O đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ thuộc 9 chủng loại hàng (Cat.): 338, 339, 340, 341, 345, 347,348, 352, 652.

Để chuẩn bị cho việc cấp C/O có hiệu quả, giảm tối đa phiền hà ách tắc cho doanh nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng C/O được cấp để gian lận thương mại, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ góp ý về thời gian và quy trình cấp C/O như sau:

1. Thời gian dự kiến bắt đầu áp dụng đối với các lô hàng xuất khẩu từ ngày 01 tháng 10 năm 2008 và sẽ hết hiệu lực từ ngày 30 tháng 6 năm 2009.

2. Quy trình cấp C/O theo 2 phương án:

Phương án 1: Cấp C/O trước khi thông quan xuất khẩu.

Theo phương án này, khi làm thủ tục xuất khẩu, C/O là một chứng từ bắt buộc trong hồ sơ khi làm thủ tục thông quan tại cơ quan Hải quan.
Việc cấp C/O tại các điểm cấp C/O của VCCI được thực hiện không quá 2 hoặc 4 giờ làm việc kể từ khi hồ sơ được chấp nhận và hợp lệ. Cơ quan Hải quan sẽ căn cứ Giấy chứng nhận xuất xứ ( bản giấy) hoặc căn cứ vào dữ liệu cấp C/O điện tử do VCCI truyền mỗi ngày để làm thủ tục thông quan hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp (VCCI cho biết hiện nay khoảng 90% C/O được cấp C/O điện tử).

Phương án này đảm bảo cập nhật được dữ liệu kịp thời, đầy đủ, chính xác theo mã HTS 10 chữ số của Hoa Kỳ và ngăn chặn được các lô hàng khai báo sai giá xuất khẩu hoặc kịp thời kiểm tra đối với các lô hàng có dấu hiệu gian lận. Tuy nhiên, phương án này có thể bị lợi dụng C/O được cấp vào mục đích gian lận thương mại. Bên cạnh đó, có khả năng gây ách tắc lưu thông hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp nếu việc truyền dữ liệu cấp C/O giữa VCCI và Hải quan có sự cố.

Phương án 2: Cấp C/O sau khi thông quan xuất khẩu

Theo phương án này, C/O được cấp sau khi thương nhân đã làm thủ tục Hải quan (như đang làm hiện nay). Tờ khai Hải quan hàng hóa xuất khẩu là một chứng từ bắt buộc trong hồ sơ xin cấp C/O. Cơ quan Hải quan sẽ truyền số liệu hàng ngày cho VCCI và Bộ Công Thương để theo dõi. Hàng tuần/hàng tháng VCCI thông báo cho Hải quan tên doanh nghiệp có lô hàng không xin cấp C/O theo quy định. Hải quan căn cứ danh sách VCCI cung cấp sẽ không thông quan xuất khẩu cho những doanh nghiệp không làm thủ tục cấp C/O theo quy định.

Phương án này, cấp C/O theo quy định hiện hành, số liệu được cập nhật kịp thời, thuận tiện cho doanh nghiệp nhưng tốn nhiều thời gian, công sức, thậm chí phải có thêm nhân lực cho cả Hải quan và VCCI để theo dõi, đôi khi gặp sự phàn nàn của doanh nghiệp khi họ chưa kịp làm thủ tục xin cấp C/O cho lô hàng trước…

Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn

 

Quảng cáo sản phẩm