EU hoãn phân loại rủi ro phá rừng với các nước cung cấp hàng hóa nông nghiệp

11/03/2024 10:10 - 6 lượt xem

Liên minh châu Âu (EU) sẽ tạm thời đánh giá rủi ro phá rừng ở mức trung bình đối với tất cả nước cung cấp 7 mặt hàng nông nghiệp, gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su và gỗ.

 

Trước đây, EU dự kiến phân loại các nước này theo 3 cấp rủi ro phá rừng là thấp, trung bình và cao. Những nước bị xếp vào nhóm có rủi ro phá rừng cao sẽ đối mặt với tỷ lệ kiểm tra hàng hóa liên quan cao hơn.

 

7 mặt hàng nông nghiệp chính xuất khẩu vào EU gồm thịt bò, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su và gỗ sẽ chịu sự điều chỉnh từ các quy định của EU về chống phá rừng trong chuỗi cung ứng nông nghiệp.

 

Tháng 6 năm ngoái, Quy định của EU về chuỗi cung ứng không phá rừng chính thức có hiệu lực. Quy định này yêu cầu doanh nghiệp chứng minh nguồn gốc “sạch” (không gây mất rừng) của 7 mặt hàng xuất khẩu sang EU gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su và gỗ, cùng các sản phẩm phái sinh như thịt bò, đồ nội thất hay chocolate. Các công ty lớn có 18 tháng để chuẩn bị tuân thủ các quy định mới và thời gian dành cho các công ty nhỏ hơn là 24 tháng.

 

Theo báo cáo nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (EC), nếu không kiểm soát, nhu cầu của EU đối với những mặt hàng nhập khẩu này sẽ góp phần gây ra nạn phá rừng khoảng 248.000 hecta mỗi năm vào năm 2030.

 

Đến tháng 12-2024, EU dự kiến phân loại các nước cung cấp các mặt hàng nói trên theo 3 cấp rủi ro phá rừng là thấp, trung bình và cao. Hệ thống phân loại này sẽ sử dụng các số liệu như tốc độ suy thoái đất và mở rộng hoạt động nông nghiệp cũng như bằng chứng khác từ cộng đồng bản địa và các tổ chức phi chính phủ.

 

Quy định mới yêu cầu cơ quan chức năng ở các nước thành viên của EU kiểm tra 9% lô hàng đến từ các nước có rủi ro phá rừng cao, 3% lô hàng đối với các nước được dán nhãn rủi ro trung bình và 1% lô hàng từ các nước có rủi ro thấp.

 

Các doanh nghiệp liên quan cần xác định chính xác lô đất nơi 7 sản phẩm nói trên được sản xuất và chứng minh rằng không có khu rừng nào bị chặt phá trên lô đất đó kể từ năm 2020. Họ cần cung cấp bằng chứng để thẩm định, có thể sẽ bao gồm hình ảnh vệ tinh.  Nếu không tuân thủ quy định này, doanh nghiệp có thể bị phạt tới 4% doanh thu kiếm được từ một nước thành viên EU.

 

Hệ thống phân loại nói trên vấp phải sự phản đối của một số chính phủ ở châu Á, Mỹ Latin và châu Phi. Họ cho rằng quy định phân loại sẽ gây gánh nặng chi phí và khiến các công ty sản xuất nông nghiệp không dám đầu tư vào nước họ.

 

Trước các lo ngại này, tờ Financial Times hôm 8-3 dẫn lời 3 quan chức EU, cho biết EU sẽ hoãn áp dụng hệ thống phân loại rủi ro phá rừng. Thay vào đó, EU sẽ đánh giá rủi ro phá rừng ở mức trung bình đối với tất cả các nước để họ có thời gian thích ứng với quy định mới.

 

“Đơn giản là chúng tôi sẽ không phân loại. Điều đó có nghĩa là tất cả các nước đều được xem là có rủi ro phá rừng ở mức trung bình. Chúng tôi cần thêm thời gian để đưa hệ thống phân loại này vào hoạt động. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều phàn nàn từ các đối tác”, một quan chức EU cho hay.

 

Nột số nước đang phát triển chỉ trích Quy định của EU về chuỗi cung ứng không phá rừng, cho rằng EU đang áp đặt các tiêu chuẩn xanh lên các nước bên ngoài.

 

Trong thư gửi Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 9 năm ngoái, các nước sản xuất dầu cọ lớn gồm Indonesia và Malaysia đã bày tỏ lo ngại về quy định này. “Quy định này không xem xét đến hoàn cảnh và khả năng của địa phương, luật pháp quốc gia và cơ chế chứng nhận sản phẩm ở các nước sản xuất đang phát triển cũng như nỗ lực của họ trong việc chống nạn phá rừng”, bức thư có đoạn.

 

Một số công ty kinh doanh và sản xuất hàng hóa nông nghiệp cảnh báo về việc có thể rút khỏi các nước bị xếp vào nhóm có nguy cơ phá rừng cao vì gánh nặng chứng minh sản phẩm của doanh nghiệp không đến từ đất rừng bị phá quá cao.

 

Trong khi đó, một số công ty ở EU bắt đầu ưu tiên ký kết thỏa thuận mua 7 mặt hàng nông nghiệp nói trên từ các nhà sản xuất lớn, có đủ khả năng triển khai công nghệ định vị địa lý phức tạp.

 

Các quan chức EU cũng xác nhận rằng, Brussels có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận phân loại rủi ro phá rừng theo khu vực của một nước. Điều này có nghĩa là các vùng đồng bằng phía nam Brazil có thể sẽ được phân loại là có nguy cơ thấp hơn khu vực Amazon, nơi những vùng rừng nhiệt đới rộng lớn bị tàn phá nặng nề. Brazil là nước xuất khẩu đậu nành và cà phê hàng đầu thế giới.

 

Một quan chức EU cho biết, việc trì hoãn quá trình phân loại rủi ro phá rừng không liên quan đến bất kỳ thay đổi lập pháp nào nhưng là “tín hiệu cho thấy EU không muốn hành động vội vàng”.

 

Các nước đang phát triển đặc biệt tức giận vì Quy định của EU về chuỗi cung ứng không phá rừng được thông qua vào tháng 6 năm ngoái mà không có hướng dẫn rõ ràng về cách tuân thủ. Các vấn đề như nguy cơ hàng trăm nghìn tấn cà phê và ca cao có thể bị tiêu hủy nếu không chứng minh được nguồn gốc “sạch”.

 

Bộ trưởng Thương mại Malaysia, Zafrul Aziz cho biết, nước ông và các nước khác cần thời gian và sự hỗ trợ để thiết lập các hệ thống kiểm soát. “Bạn cần thời gian vì sẽ rất tốn kém để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của EU, bao gồm các yêu cầu về tính minh bạch hoặc công bố thông tin liên quan”, ông nói.

 

Ông cho biết thêm, quy định mới của EU sẽ “không có vấn đề gì” đối với các công ty lớn nhưng nhiều chủ sở hữu trang trại nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ.

 

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Quảng cáo sản phẩm