Gạo Việt trở lại đường đua sau Tết, giá xuất khẩu bắt đầu tăng

20/02/2024 08:10 - 2 lượt xem

Những ngày đầu tháng 2/2024 giá gạo toàn cầu tiếp tục biến động mạnh khi một số nguồn cung ghi nhận giảm, riêng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu tăng.

Theo cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cuối tuần trước, giá gạo toàn cầu đã biến động trái chiều khi giá ở một số nước giảm mạnh còn Việt Nam lại tăng nhẹ.

Cụ thể, theo VFA, giá gạo Thái Lan, Pakistan đã điều chỉnh giảm mạnh, trong đó gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan giảm 13 USD/tấn xuống còn 628 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 6 USD/tấn xuống còn 572 USD/tấn, gạo 100% tấm ở mức 482 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn.

Tương tự, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Pakistan cũng giảm 11 USD/tấn, xuống mức 619 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 10 USD/tấn, còn 564 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 464 USD/tấn.

Riêng gạo Việt Nam ngược chiều tăng từ 1-2 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm tăng 1 USD/tấn, lên mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 2 USD/tấn, lên mốc 612 USD/tấn và gạo 100% tấm vững giá 533 USD/tấn.

Diễn biến trên thị trường xuất khẩu cho thấy, ngay sau kỳ nghỉ Tết giá gạo toàn cầu đang theo hướng tích cực cho Việt Nam. Cụ thể, giá gạo một số nước ghi nhận giảm sau khi tăng mạnh trong tháng 1/2024. Trong đó, với Thái Lan, giá gạo nước này giảm liên tục trong những phiên gần đây được VFA cho hay do đồng baht Thái giảm giá so với đồng USD. Còn Pakistan, các thương nhân xuất khẩu gạo nước này hiện hạn chế thu mua nguyên liệu do giá nội địa tăng cao. Thêm vào đó, nhu cầu từ châu Phi và châu Âu, đặc biệt đối với phân khúc gạo basmati từ Pakistan khá ảm đạm do giá cước vận chuyển tăng mạnh sau khi xung đột trên khu vực Biển Đỏ xảy ra.

Về phía Việt Nam, gạo Việt đã tăng tốc trở lại bởi trong nước đang vào vụ thu hoạch lúa Đông xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm. Nguồn cung bắt đầu tăng khiến doanh nghiệp Việt cũng mạnh dạn hơn trong việc chào hàng, từ đó kéo giá xuất khẩu tăng - trái ngược hẳn so với các phiên giao dịch cầm chừng trước Tết bởi hạn chế nguồn cung.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, từ sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu. Chẳng hạn ngay những ngày đầu năm 2024 Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã thắng thầu một đơn hàng cung ứng 65.000 tấn gạo Bulog 65. Do vậy, tập đoàn này đã chủ động lên kế hoạch tái sản xuất sớm sau Tết.

Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, năm 2024 gạo của Việt Nam vẫn tăng trưởng vì xu thế thiếu nguồn cung trên thế giới hiện vẫn chưa chấm dứt, các thị trường lớn như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc và một số thị trường truyền thống khác của Việt Nam hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam vẫn rất nhiều.

Để tận dụng cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp đang thu mua từ nhiều nguồn hàng khác nhau như: mua trực tiếp từ người sản xuất, liên kết mua của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo các doanh nghiệp, việc này giúp họ không rơi vào bị động khi ký kết hợp đồng bán hàng trước rồi mới đi mua hàng về sau.

Cùng với giải pháp trên, ông Nguyễn Quang Hòa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ - chia sẻ, hiện doanh nghiệp hầu như chỉ ký các đơn hàng ngắn hạn, không ký giao xa và cũng không ký trước trong thời gian dài vì lo ngại rủi ro về giá như năm 2023.

Những thận trọng của doanh nghiệp thực tế cũng được Ban lãnh đạo của VFA khuyến cáo. Cụ thể, theo VFA, để giảm bớt rủi ro, doanh nghiệp cần hạn chế bán xa, bán dài hạn, tăng cường đầu tư nhà máy chế biến để mua lúa trực tiếp từ nông dân.

Cũng theo VFA, lâu nay doanh nghiệp thường mua gạo từ các nhà cung ứng, nhưng gần đây đã xuất hiện các mô hình hợp tác xã nông nghiệp thương mại, nông dân tập trung bán lúa cho các hợp tác xã, sau đó hợp tác xã bán lúa lại cho doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm