Giải quyết tranh chấp số DS244

24/06/2014 12:00 - 1773 lượt xem

Hoa Kỳ - Cuộc rà soát hoàng hôn thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép tấm cacbon chống mài mòn nhập khẩu từ Nhật Bản

Nguyên đơn

Nhật Bản

Bị đơn:

 

Các Các bên thứ ba:

Hoa Kỳ

 

Braxin; Canada; Chi lê; EC; Ấn Độ; Hàn Quốc; Na-uy

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn)
 

Hiệp định thành lập WTO: Điều  XVI:4; Hiệp định ADA (Điều VI của GATT 1994): Phụ lục II, Điều  3562111218.3,18.4; GATT 1994: Điều VIX

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn

30/01/2002

Ngày lưu hành Báo cáo Ban Hội thẩm

14/08/2003

Ngày lưu hành Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm

15/12/2003

Bản tóm tắt dưới đây được cập nhật đến ngày 24 tháng 02 năm 2010

Tham vấn

Ngày 30/01/2002, Nhật Bản yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ liên quan đến các kết luận cuối cùng của DOC (ngày 02/08/2000) và ITC (ngày 21/11/2000) trong cuộc rà soát hoàng hôn thuế chống bán phá giá áp dụng đối với mặt hàng thép tấm cácbon chống mài mòn (orrosion-resistant carbon steel flat products)  nhập khẩu từ Nhật Bản. Nhật Bản cho rằng:

-    Các kết luận nói trên là không chính xác và dựa trên những quy định, thủ tục và điều khoản không hợp pháp của Đạo luật Thuế quan 1930 đã sửa đổi của Hoa Kỳ (sau đây gọi tắt là Đạo luật 1930) và những quy định có liên quan.

-    Các kết luận nói trên và những quy định, thủ tục và điều khoản của Đạo luật 1930 cũng như những quy định có liên quan không tuân thủ với các Điều VI và X của GATT 1994; các Điều 2, 3, 5, 6 (bao gồm cả Phụ lục II), 11, 12, và 18.4 của Hiệp định ADA; và Điều XVI:4 của Hiệp định WTO.

EC (ngày 13/02/2002) và Ấn Độ (ngày 14/02/2002) đề nghị được tham gia vào quá trình tham vấn với tư cách là bên thứ ba.

Giai đoạn Hội thẩm

Thành lập Ban Hội thẩm

Tuy nhiên, tham vấn không thành công, do đó ngày 04/04/2002, Nhật Bản yêu cầu WTO thành lập Ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp vụ việc này. Tại cuộc họp ngày 17/04/2002, DSB đã trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm. Tuy nhiên, theo yêu cầu lần thứ hai của Nhật Bản, tại cuộc họp ngày 22/05/2002 của DSB, Ban Hội thẩm đã được thành lập.
Braxin, Canada, Chi lê, EC, Ấn Độ, Hàn Quốc, Na-uy và Venezuela yêu cầu được tham gia vào vụ kiện với tư cách là các bên thứ ba.

Ngày 09/07/2002, do hai bên không thể thống nhất được thành phần của Ban Hội thẩm nên Nhật Bản đã phải yêu cầu Tổng giám đốc WTO chỉ định các thành viên cho Ban Hội thẩm. Ngày 17/07/2002, thành phần của Ban Hội thẩm đã được xác định.

Ngày 05/08/2002, Venezuela rút quyền tham gia vụ kiện với tư cách bên thứ ba.

Thông qua Báo cáo của Ban Hội thẩm

Ngày 09/01/2003, Chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo với DSB về khả năng không thể hoàn thành công việc trong vòng 6 tháng (theo như quy định của DSU) sau khi tham vấn các bên về lịch trình làm việc và dựa trên khung thời gian quy định tại Phụ lục 3 của DSU. Ban Hội thẩm dự kiến sẽ hoàn thành công việc vào tháng 04/2003.

Ngày 22/05/2003, Ban Hội thẩm hoàn thành Báo cáo và gửi tới các bên trong vụ tranh chấp. Đến ngày 14/08/2003, Báo cáo của Ban Hội thẩm được gửi tới tất cả các thành viên WTO.

Các nội dung chính trong Báo cáo của Ban Hội thẩm:

-    Ban Hội thẩm bác bỏ các khiếu nại của Nhật Bản liên quan đến những quy định của Hoa Kỳ về thủ tục rà soát hoàng hôn thuế chống bán phá giá. Ban Hội thẩm kết luận rằng các tiêu chuẩn chứng cứ bắt buộc để tự khởi xướng điều tra cũng như những tiêu chuẩn về mức tối thiểu (mức không đáng kể) trong các cuộc điều tra ban đầu không áp dụng đối với rà soát hoàng hôn.

-    Ban Hội thẩm cũng bác bỏ lập luận của Nhật Bản cho rằng Bản tin Chính sách Hoàng hôn của Hoa Kỳ (Sunset Policy Bulletin - hướng dẫn về phương pháp và phân tích không được giải thích rõ ràng trong hệ thống luật pháp và quy định của Hoa Kỳ) là một công cụ pháp lý bắt buộc ở Hoa Kỳ mà có thể bị kiện lên WTO. Theo Ban Hội thẩm thì Bản tin này chỉ có thể bị kiện khi được DOC áp dụng trong từng vụ kiện cụ thể.

-    Ban Hội thẩm cũng kết luận rằng phán quyết của DOC về khả năng tiếp tục hoặc tái diễn các hành vi bán phá giá trong vụ kiện cụ thể này không hề vi phạm các quy định của WTO. Do đó, Ban Hội thẩm không đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào.

Giai đoạn Phúc thẩm

Ngày 15/09/2003, Nhật Bản gửi thông báo kháng cáo tới DSB đồng thời nộp Thông báo Kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm.

Ngày 12/11/2003, Chủ tịch Cơ quan Phúc thẩm thông báo với DSB về khả năng không thể hoàn thành các công việc trong vòng 60 ngày (theo như quy định trong DSU) do cần thêm thời gian để hoàn thành và dịch Báo cáo phúc thẩm, dự kiến sẽ xong trước ngày 15/12/2003.

Ngày 15/12/2003, Cơ quan Phúc thẩm hoàn thành Báo cáo và gửi tới tất cả các thành viên WTO. Theo đó, Cơ quan Phúc thẩm giữ nguyên 3 kết luận và bác bỏ 4 kết luận của Ban Hội thẩm, cụ thể:

-    Trái với Ban Hội thẩm, Cơ quan Phúc thẩm kết luận rằng Bản tin Chính sách Hoàng hôn của Hoa Kỳ có thể bị kiện ra WTO. Tuy nhiên, Cơ quan Phúc thẩm không tìm thấy bất cứ điều khoản nào trong Bản tin này vi phạm Hiệp định ADA hay Hiệp định WTO.

-    Mặc dù phân tích của Cơ quan Phúc thẩm về các nội dung kiện của Nhật Bản so với phân tích của Ban Hội thẩm khác nhau ở một số điểm quan trọng, Cơ quan Phúc thẩm cũng không đưa ra kết luận nào rằng Hoa Kỳ đã vi phạm các nghĩa vụ quy định tại Hiệp định ADA hay Hiệp định WTO.

Tại cuộc họp ngày 09/01/2004, DSB đã thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Báo cáo của Ban Hội thẩm đã được điều chỉnh theo Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm.

Quảng cáo sản phẩm