Hạ viện Mỹ bãi bỏ Luật Chống bán phá giá

06/12/2006 12:00 - 1704 lượt xem

Ngày 18/11, Hạ viện Mỹ đã biểu quyết bãi bỏ Luật Chống bán phá giá (Byrd). Đây chính là luật đã bị Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đánh giá là bất công và bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích là bất công vì đã dành ưu đãi quá lớn cho các công ty Mỹ.

Luật Byrd cho phép Chính phủ Mỹ dùng thuế chống bán phá giá đánh vào một số mặt hàng nhập khẩu vào thị trường Mỹ để trợ cấp cho các công ty trong nước. Kể từ năm 2000, nhờ luật này, Chính phủ Mỹ đã trợ cấp cho các công ty trong nước hơn 1 tỉ USD. Trước đó, tháng 9.2005, các nhà điều tra của Quốc hội Mỹ cũng đã công bố một báo cáo cho biết có năm công ty của Mỹ được trợ cấp gần 500 triệu USD theo luật Byrd và hơn 2/3 trong tổng số tiền trợ cấp theo luật Byrd dành cho ba ngành sản xuất vòng bi, nến và thép. Tuy nhiên, mặc dù đã bị bác bỏ ở Hạ viện, số phận của luật Byrd ở Thượng viện vẫn còn là một vấn đề chưa được giải đáp khi vẫn còn có một số thượng nghị sĩ ủng hộ đạo luật này. Trước đó, khoảng hơn 20 thượng nghị sĩ Mỹ đã ký vào bức thư yêu cầu thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, thượng nghị sĩ Bill First, không nhượng bộ yêu sách hủy bỏ luật này.

Bộ trưởng Thương mại Canada Jim Peterson đã hoan nghênh việc Hạ viện Mỹ hủy bỏ luật Byrd và kêu gọi Thượng viện Mỹ cũng có hành động tương tự. Hiện nay, Bộ Tài chính Mỹ vẫn đang giữ 5 tỉ USD tiền thuế thu được từ một số công ty Canada và nếu luật Byrd không bị hủy bỏ thì số tiền này sau đó sẽ được trợ cấp cho các công ty Mỹ.

11 đối tác thương mại của Mỹ đã phản đối luật Byrd tại WTO. Không chỉ vậy, nhiều đối tác thương mại lớn của Mỹ gồm Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và Nhật Bản đã ban hành thuế trả đũa luật Byrd bằng cách đánh vào hàng xuất khẩu của Mỹ với tổng trị giá tiền thuế lên tới 115 triệu USD.

(Theo TTXVN)

Quảng cáo sản phẩm