Hàng Việt Nam liên tục “dính” vụ kiện bán phá giá ở nước ngoài

11/08/2015 12:00 - 3784 lượt xem

Chỉ trong vòng 5 ngày, đã có ít nhất 5 thông tin liên quan đến điều tra chống bán phá giá được các quốc gia Ấn Độ, Úc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada được công bố là có liên quan đến các doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam.
Sự việc mới nhất là thông tin phía Ấn Độ thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng thước dây nhập khẩu từ Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Theo đó, Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp (DGAD) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm thước dây (Measuring Tape) nhập khẩu từ Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Nguyên đơn trong vụ việc này là Công ty FMI Limited, Ludhiana. Giai đoạn điều tra là thời điểm từ 1/4/2014 - 31/3/2015, giai đoạn xem xét thiệt hại kéo dài hơn về trước đó từ 1/1/2011 - 31/3/2015. 
Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), lượng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2014 đạt khoảng 4,7 triệu đơn vị sản phẩm đối với mã 9017.80 và khoảng 3 tấn đối với mã 9017.90 (tổng trị giá khoảng 1 triệu USD) – xếp thứ 2 về lượng trong các quốc gia xuất khẩu sang Ấn Độ.
Vụ việc tiếp theo liên quan đến mặt hàng ống thép dẫn dầu (OCTG). Cơ quan biên mậu Canada (CBSA) đã quyết định gia hạn thời gian đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc tái điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng OCTG của một số quốc gia trong đó có Việt Nam.
Theo dự kiến ban đầu, CBSA sẽ đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 30/9/2015. Tuy nhiên do nhiều vấn đề phức tạp và mới phát sinh trong vụ việc tái điều tra nên CBSA đã quyết định gia hạn ra kết luận cuối cùng thêm 75 ngày. Theo đó, vụ việc sẽ kết thúc vào ngày 14/12/2015.
Ngày 21/7 trước đó, CBSA đã ban hành thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nêu trên từ một số quốc gia trong đó có Việt Nam (vụ việc điều tra gốc).
Mức thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam do CBSA - cơ quan điều tra về phá giá xác định là 37,4%.
Hiện nay, nguyên đơn của vụ việc điều tra gốc (vụ việc điều tra năm 2014) đã tiến hành kiện CBSA ra tòa Phúc thẩm liên bang Canada. Các nguyên đơn cho rằng CBSA đã có sai phạm trong kết luận cuối cùng trong vụ việc ban đầu, vi phạm khi tiến hành khởi xướng tái điều tra và có thể những sai phạm trong vụ việc ban đầu sẽ được tiếp diễn trong vụ việc tái điều tra này. 
Vụ việc thứ 3 có liên quan đến sản phẩm tôn mạ kẽm, theo đó, Uỷ ban chống bán phá giá Úc vừa có thông báo chấm dứt điều tra trong vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm tôn mạ kẽm từ Ấn Độ và Việt Nam.
Vụ việc này được khởi xướng điều tra vào ngày 11/7/2014. Mặt hàng bị điều tra: Tôn mạ - Mã HS: 7210.49; 7212.30; 7225.92; 7226.99. Giai đoạn điều tra bắt đầu từ 1/7/2013 đến 30/6/2014
Lượng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra vào khoảng 23.253 tấn (tương đương xấp xỉ 18,1 triệu USD).
Trong thông báo hủy điều tra, ADC đã chấp nhận kết luận điều tra của cơ quan điều tra Úc cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm tôn mạ của Việt Nam không bán phá giá/lượng phá giá không đáng kể đồng thời thiệt hại/đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Úc từ hàng hóa bán phá giá của Ấn Độ cũng là không đáng kể.
Trong vòng 30 ngày, Nguyên đơn vẫn có cơ hội kháng nghị Quyết định chấm dứt cuộc điều tra của ADC đến Hội đồng rà soát chống bán bán phá giá Úc (ADRP) và Tòa án Liên bang.
Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) đã đăng công báo số 29417 về việc tiến hành rà soát điều tra chống bán phá giá với sản phẩm săm lốp xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Việt Nam và săm lốp xe máy nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong thông báo, Bộ Kinh Tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã nhận được những đơn yêu cầu tiếp tục biện pháp chống bán phá giá với lý do nếu dừng biện pháp này lại thì ngành sản xuất nội địa sẽ tiếp tục bị thiệt hại đáng kể.
Vụ việc thứ 5 được công bố chỉ trong 5 ngày qua có liên quan đến sản phẩm thép hợp kim cán nóng.
Theo đó, Thái Lan đã quyết định khởi xướng điều tra rà soát gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ với thép hợp kim cán nóng. Cuối tháng 7 vừa qua, Cục Ngoại Thương – Bộ Thương mại Thái Lan (DFT) đã gửi thông báo tới Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan về việc DFT đã nhận được đơn kiện từ ngành sản xuất nội địa đề nghị điều tra gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ với thép hợp kim cán nóng, và DFT đã quyết định khởi xướng vụ việc điều tra rà soát nêu trên.
Dự kiến vào ngày 26/8/2015, DFT sẽ tổ chức phiên điều trần tại Thái Lan để các bên liên quan có cơ hội trình bày quan điểm, lập luận của mình.
Theo thông tin sơ bộ ban đầu từ trang thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế ITC, trong giai đoạn 2013-2014, Việt Nam không xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Thái Lan.
Ngày 10/08/2015
Nguồn: Biz Live
Tải tài liệu
Hang VN lien tuc dinh vu kien BPG o nuoc ngoai
Quảng cáo sản phẩm