Hệ thống cảnh báo sớm: Tận dụng sức mạnh thông tin

12/09/2019 12:00 - 916 lượt xem

Trong bối cảnh các vụ kiện phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm (CBS) cho những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) cao của Việt Nam là hết sức cần thiết.

Nhận biết sớm nguy cơ

Ngày 1/7/2009, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3336/QĐ-BCT phê duyệt “Đề án hệ thống CBS các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với các mặt hàng XK có kim ngạch lớn của Việt Nam”.

Mặt khác, hệ thống CBS còn khuyến nghị các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong hoạt động điều hành, hoạch định chiến lược sản xuất, XK mặt hàng, thị trường nhạy cảm; nâng cao ý thức, tính chủ động phòng tránh các vụ kiện chống bán phá giá của DN xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng Việt Nam, qua đó nâng cao tính cạnh tranh, vị thế cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường quốc tế; tăng cường hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa Chính phủ và DN, hiệp hội ngành hàng trong công tác chủ động phòng tránh vụ kiện chống bán phá giá của nước ngoài.Hệ thống CBS có mục tiêu: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin để cảnh báo trong phạm vi một số ngành hàng và thị trường XK nhất định nhằm nâng cao tính chủ động và hiệu quả trong công tác điều hành, xây dựng chiến lược, dự báo XK; phát hiện, nhận biết sớm nguy cơ nảy sinh các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa XK Việt Nam trong các giao dịch thương mại quốc tế trước khi vụ kiện được chính thức tiến hành; khuyến nghị doanh nghiệp (DN) trong việc điều chỉnh hoạt động XK (tăng giá, giảm sản lượng...) khi nhận thấy dấu hiệu đầu tiên của nguy cơ xảy ra vụ kiện đồng thời có những chuẩn bị trước nhằm ứng phó hiệu quả nhất trong trường hợp xảy ra vụ kiện.

Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra đã lập kế hoạch triển khai xây dựng hệ thống CBS các vụ kiện chống bán phá giá với sự tài trợ của Chính phủ Đan Mạch, do Chương trình Nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCF) thực hiện. Dự án đã hỗ trợ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) trong việc tạo nền tảng hạ tầng ban đầu để có thể vận hành và quản lý, sử dụng hệ thống sau khi kết thúc dự án. Ngày 21/9/2010, hệ thống CBS đã chính thức được công bố, vận hành tại địa chỉ website www.canhbaosom.vn hoặc www.earlywarning.vn .

Mở rộng phạm vi thị trường, sản phẩm được cảnh báo

Ban đầu, hệ thống CBS tập trung vào 5 ngành hàng XK chủ lực (thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất và dây cáp điện). Đồng thời, tập trung nguồn lực để theo dõi và cảnh báo tại những thị trường XK trọng điểm, có ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động XK của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Australia. Trong giai đoạn vận hành tiếp theo, hệ thống liên tiếp điều chỉnh phạm vi thị trường và phạm vi sản phẩm một cách thích hợp.

Bên cạnh đó, hệ thống CBS không ngừng được nâng cấp, đưa ra những ứng dụng mới nhằm cung cấp cho DN nhiều thông tin có giá trị. Cụ thể, cung cấp thông tin hữu ích phục vụ công tác xúc tiến thương mại, tìm hiểu về thị trường; phát triển thêm công cụ hỗ trợ DN trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Đến nay, hệ thống CBS đã được vận hành ổn định và đều đặn với kết quả cảnh báo sớm được đưa ra hàng quý. Kết quả cảnh báo được đưa ra thường xuyên, phù hợp với thông tin do các văn phòng luật cung cấp. Việc phối hợp giữa các đơn vị đã được triển khai tuân thủ theo quy chế duy trì và phát triển hệ thống đã được ban hành. Đối với những mã HS có mức độ cảnh báo cao, thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đều theo dõi những động thái khác từ nhà sản xuất trong nước để kịp thời thông báo cho DN trước khi vụ kiện diễn ra, điển hình là đối với một số vụ kiện thép của Hoa Kỳ, Brazil...

Về hiệu quả của hệ thống CBS, từ tháng 9/2010 (khi bắt đầu vận hành hệ thống cảnh báo) đến nay, Việt Nam đã phải đối mặt với 13 vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có 6 vụ thuộc đối tượng được CBS (các vụ kiện thép của năm 2011 không được tính do mặt hàng thép mới được bổ sung vào hệ thống năm 2012). Trên thực tế, theo Cục Phòng vệ thương mại, không phải tất cả các mã HS (bảng mã hài hòa thuế quan) bị kiện đều được cảnh báo ở mức cao mà một số mã chỉ được cảnh báo ở mức vàng, thậm chí mức xanh.

Bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống CBS vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, sự tiếp cận của cộng đồng DN XK - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các vụ kiến chống bán phá giá còn hạn chế. Do đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về hệ thống CBS một cách rộng rãi, giúp DN biết, hiểu được các chức năng hoạt động hệ thống; biết cách khai thác và sử dụng công cụ tiện ích của hệ thống phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN XK cũng như của nền kinh tế.

Hệ thống CBS chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010. Kể từ thời điểm đó đến nay, Cục Phòng vệ thương mại đã phối hợp với nhiều hiệp hội ngành hàng và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tuyên truyền, phổ biến về hệ thống đến cộng đồng DN.

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm