Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia giúp doanh nghiệp Việt “vươn ra biển lớn”

27/04/2020 12:00 - 330 lượt xem

Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) khẳng định vị thế, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, vươn ra biển lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Tính đến nay, Việt Nam đã có 12.000 TCVN, đạt tỷ lệ 56% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn quốc gia có khoảng 800 QCVN dần hoàn thiện, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiêu chuẩn quốc gia với tỷ lệ 56% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực tạo thuận lợi về hành lang kỹ thuật để hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường lớn đầy sức cạnh tranh phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Theo ông Trần Văn Học - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, năm 2006, với việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm cam kết thực thi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (hiệp định WTO/TBT) và trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới, việc xây dựng TCVN trên cơ sở chấp nhận và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã trở thành chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm (chiếm trên 90%). Kết quả của các nỗ lực này đã đưa tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam lên mức tương đối cao (năm 2019 đạt 54% và dự kiến đến năm 2020 đạt 60%), trong đó lĩnh vực có tỷ lệ hài hòa với quốc tế cao nhất là Điện-Điện tử và Thực phẩm (>80%).

 

"Có thể nói đây là tiền đề rất quan trọng giúp các DN của chúng ta nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn với quốc tế và khu vực trong những năm tới khi chúng ta đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương", ông Trần Văn Học khẳng định.

 

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế của Việt Nam với quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Đề án thực thi Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (Hiệp định TBT). Qua đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về tiêu chuẩn đo lường chất lượng từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT, đáp ứng các điều kiện về pháp lý cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); thực thi các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định TBT của WTO; xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng đòi hỏi cấp bách của quản lý cũng như xã hội, giúp DN có đầy đủ các thông tin về thị trường xuất khẩu để sản xuất, cung ứng sản phẩm có chất lượng, vượt qua được các rào cản kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường này, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của DN. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã và đang triển khai các hoạt động về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc, giúp DN minh bạch thông tin, tạo uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, soát xét hài hoà hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên làm cơ sở cho thuận lợi hoá thương mại, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; chủ động tham gia vào các tổ chức, diễn đàn khu vực và thế giới, xúc tiến triển khai ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định, thoả thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN, APEC, MRA song phương giữa các nước, ưu tiên ký kết MRA với các nước có giá trị hàng hoá trao đổi thương mại lớn với nước ta cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận, sản xuất sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp DN giảm chi phí đánh giá sự phù hợp, dẫn đến giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Thực tế cũng cho thấy, Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp các DN của Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính một cách thuận lợi, không bị cản trở bởi các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu đồng thời khẳng định được trình độ chất lượng để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế.

 

Theo ông Trần Ngọc Chính, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, trong thời gian tới, để đáp ứng bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, cần phải nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn quốc gia và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo các mục tiêu:

 

Một là, mở rộng độ bao quát của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, nhằm đáp ứng tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

 

Hai là, nghhiên cứu giảm thiểu tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia xây dựng theo phương pháp không tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; Rà soát hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo đúng quy định, đảm bảo cập nhật với tiến bộ của khoa học – công nghệ và đáp ứng các yêu cầu FTA thế hệ mới.

 

Ba là, tăng cường sự tham gia vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu, đặc biệt là ISO và IEC song song với việc phát triển các mối quan hệ song phương với các tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu của nước ngoài khác (như ASTM, ANSI,…).

 

Bốn là, triển khai quy hoạch, lập kế hoạch và tổ chức xây dựng một số nhóm tiêu chuẩn chiến lược phục vụ phát triển kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng (nhóm tiêu chuẩn trong lĩnh vực Đô thị thông minh, Tiết kiệm năng lượng, An toàn thực phẩm, Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Áp dụng các hệ thống quản lý).

 

Đối với các Bộ, ngành khi xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia chuyên ngành phải bám sát vào các định hướng quy hoạch phát triển ngành. Huy động sự tham gia của các thành phần xã hội, đặc biệt là các tổ chức khoa học, giáo dục và đào tạo, các DN thuộc mọi thành phần kinh tế để đáp ứng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ hội nhập quốc tế trong phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.

 

Tính đến nay, Việt Nam đã có 12.000 TCVN, đạt tỷ lệ 56% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn quốc gia có khoảng 800 QCVN dần hoàn thiện, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiêu chuẩn quốc gia với tỷ lệ 56% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực tạo thuận lợi về hành lang kỹ thuật để hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường lớn đầy sức cạnh tranh phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Nguồn: Tạp chí Tài chính

Quảng cáo sản phẩm