Kháng kiện chống bán phá giá ở nước ngoài: Những hạn chế trong Hệ thống kế toán và Quản lý số liệu của Doanh nghiệp Việt Nam

29/12/2015 12:00 - 28906 lượt xem

Kiện chống bán phá giá và thuế chống phá giá đã không còn là một khái niệm mới mẻ với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Mặc dù vậy, các vụ kiện này vẫn tiếp tục là cơn ác mộng thực sự với không ít các doanh nghiệp xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực sản xuất.[1]Trong phần lớn các vụ việc, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình kháng kiện để bảo vệ lợi ích của mình. Thống kê kết quả các vụ điều tra chống phá giá trong những năm gần đây cho thấy tỷ lệ thành công trong kháng kiện chống phá giá vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 20%.[2] Ngoài việc phải chịu các phương pháp tính toán không công bằng do chưa được xem là nền kinh tế phi thị trường, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp rất nhiều vướng mắc và bất lợi trong các lập luận chứng minh do những hạn chế trong công tác quản lý dữ liệu nội tại của chính các doanh nghiệp. Đúc rút kinh nghiệm từ hơn 10 năm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài kháng kiện, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ mổ xẻ kỹ hơn một số nguyên nhân cơ bản nằm trong hệ thống nội tại doanh nghiệp bị kiện làm cho mức thuế phá giá bị tăng cao và đưa ra một số gợi ý có thể giúp doanh nghiệp khắc phục vấn đề này.

Về bản chất kỹ thuật, điều tra chống phá giá là quá trình Cơ quan điều tra tính toán và so sánh giữa giá xuất khẩu của một sản phẩm với giá trị thông thường của chính sản phẩm đó để xác định biên độ phá giá (và mức thuế chống bán phá giá tương ứng). “Nguyên liệu cơ bản” cho quá trình tính toán và so sánh này chính là số liệu về sản xuất và bán hàng nằm trong hệ thống kế toán của chính doanh nghiệp. Chính vì vậy, kháng kiện thành công hay thất bại phụ thuộc đáng kể vào cách thức doanh nghiệp khai thác, chuẩn bị, báo cáo, trình bày và chứng minh số liệu trước cơ quan điều tra. Trên thực tế, hơn 50% nguyên nhân làm doanh nghiệp xuất khẩu bị áp thuế chống phá giá cao (trên 10% thậm chí lên tới 100%) là do không biết cách khai thác, xử lý hoặc không chứng minh được các loại thông tin, số liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra.  Một phần hiệu quả của công việc này phụ thuộc vào năng lực của hãng luật và chuyên gia phân tích số liệu mà doanh nghiệp thuê để hỗ trợ việc kháng kiện. Mặc dù vậy, các luật sư và chuyên gia này, dù có giỏi đến đâu, nếu không có “nguyên liệu đầu vào” đạt yêu cầu  (là các dữ liệu của chính doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan điều tra) thì cũng không thể cho ra “sản phẩm tốt”.  Kinh nghiệm cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn rất lớn trong việc cung cấp số liệu-nguyện liệu đạt yêu cầu và nguyên nhân chính là do các hạn chế của hệ thống kế toán và quản lý dữ liệu của doanh nghiệp. Và vì vậy đây là vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam rất cần lưu ý điều chỉnh.

Khó khăn trong quá trình truy xuất thông tin, xây dựng các dữ liệu báo cáo Trong điều tra chống phá giá

Trong điều tra chống phá giá, biên độ phá giá (so sánh chênh lệch giữa giá xuất khẩu và giá trị thông thường
[3]) của sản phẩm bị điều tra được xác định cho từng “mã” của sản phẩm đó (“Product Code”, “PCN” theo cách gọi của cơ quan điều tra EU hoặc “Connum” theo cách gọi của cơ quan điều tra Hoa Kỳ). Mã sản phẩm được xác định theo các đặc tính vật lý-hóa học, quy cách sản xuất thậm chí là bao bì đóng gói của sản phẩm (chứ không phải là mã HS thông dụng). Mã sản phẩm có thể được xác định theo mã sản phẩm của chính doanh nghiệp bị điều tra hoặc được xây dựng theo tiêu chí mà cơ quan điều tra đưa ra.

Yêu cầu về giá bán, giá thành sản xuất của từng mã sản phẩm, theo từng thị trường, để tính toán giá xuất khẩu và giá trị thông thường đòi hỏi số liệu phải rất chi tiết, tách được các loại giá, chi phí bán hàng/sản xuất, lượng nguyên, nhiên, vật liệu..v.v.

Việc này sẽ càng phức tạp hơn khi cơ quan điều tra áp dụng phương pháp tính toán cho trường hợp nền kinh tế phi thị trường – tức là yêu cầu báo cáo cả giá thành của sản phẩm chứ không chỉ giá bán, như trong các cuộc điều tra của Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ kỳ hoặc Ấn Độ.  Phương pháp này làm cho việc báo cáo và chứng minh số liệu sẽ rất khó khăn nếu doanh nghiệp không có hệ thống kế toán cho phép truy xuất số liệu tính giá thành của từng mã sản phẩm, đặc biệt là số liệu của các yếu tố đầu vào của phẩm như nguyên liệu sản xuất trực tiếp, nguyên liệu đóng gói bao bì, chi phí nhân công, chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí điện nước, kho bãi và một số chi phí khác.  Ngoài ra, khi báo cáo các số liệu, doanh nghiệp còn phải xây dựng được phương pháp tính toán, phân bổ chi phí, các yếu tố đầu vào cho một đơn vị thành phẩm một cách hợp lý và phù hợp với phương pháp tính theo quy định của pháp luật về chống phá giá và thực tiễn của cơ quan điều tra. Trong một số vụ kiện gần đây về sản phẩm thép hay thủy sản, việc lựa chọn đúng phương pháp tính toán, phân bổ chi phí và nguyên liệu đầu vào đã giúp doanh nghiệp đạt mức thuế suất chống phá giá rất thấp (0%-4%).

Phần mềm và hệ thống kế toán mà phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí là cả doanh nghiệp FDI hiện nay đang sử dụng hầu như chưa cho phép báo cáo chi tiết số liệu theo yêu cầu nói trên. Các phần mềm thông dụng thường được sử dụng chủ yếu để lập báo cáo tài chính và các nghiệp vụ kế toán đơn giản. Hệ quả là việc chuẩn bị và báo cáo số liệu được thực hiện bằng phương pháp thủ công hay vì kê khai tự động, dẫn đến sự thiếu sót hoặc nhầm lẫn trong số liệu báo cáo mà trong rất nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể phát hiện ra hết trong thời gian trả lời bản câu hỏi của cơ quan điều tra (rất ngắn, chỉ từ 30-45 ngày).

Ví dụ, để kê khai lượng vật tư đóng gói cho một đơn vị thành phẩm của một mã sản phẩm trên bảng tính excel, doanh nghiệp cần kết hợp thông tin giữa bộ phận sản xuất, vật tư và kế toán theo từng mã vật tư, mã thành phẩm, quy cách đóng gói cho từng sản phẩm trước khi xây dựng công thức tính toán lượng vật tư tiêu thụ. Số liệu có được đồng thời phải đảm bảo đối chiếu được với giá trị của vật tư đó ghi nhận trong hệ thống kế toán. Nhầm lẫn về số liệu kê khai thủ công có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thuế suất, ví dụ: trong các vụ kiện chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh, sai lệch về lượng nguyên liệu tôm đầu vào có thể ảnh hưởng tới hơn 70% thuế suất chống phá giá.

Với hạn chế của phần mềm kế toán như hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu Việt Nam, việc kháng kiện sẽ có rủi ro rất cao vì khi đó doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn sẽ không đủ thời gian để truy xuất, phân tích và báo cáo chính xác số liệu. Ngoài ra, khi chưa có số liệu chính xác, các luật sư và chuyên gia chưa thể xây dựng và lựa chọn được phương pháp báo cáo giúp doanh nghiệp đạt mức thuế suất thấp nhất, có lợi nhất cho doanh nghiệp.

Khó khăn trong quá trình đối chiếu số liệu phục vụ thẩm tra của cơ quan điều tra

Trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, sau khi nhận được các số liệu do doanh nghiệp cung cấp, Cơ quan điều tra sẽ tới trụ sở, nhà máy của doanh nghiệp bị đơn bắt buộc để thẩm tra (gọi là thủ tục thẩm tra/xác minh tại thực địa). Quy trình thẩm tra thực chất là đối chiếu số liệu khai báo trong Bản trả lời câu hỏi mà doanh nghiệp đã trình cho Cơ quan điều tra với thực tế sản xuất, kinh doanh, sổ sách kế toán, chứng từ-hóa đơn và báo cáo tài chính với mục đích để xác minh độ tin cậy của số liệu mà doanh nghiệp khai báo. Chẳng hạn, để đối chiếu các số liệu về doanh thu, doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ bộ chứng từ doanh thu bao gồm: hợp đồng, hóa đơn thương mại, hóa đơn thanh toán và sổ chi tiết kèm theo giải thích để khớp với số liệu doanh thu trên báo cáo tài chính và các tài liệu khác tùy theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ có khoảng từ 3-5 ngày để hoàn tất quá trình thẩm tra. Nếu thẩm tra không đạt yêu cầu, các số liệu mà doanh nghiệp cung cấp nhưng xác minh không đạt yêu cầu sẽ bị Cơ quan điều tra bỏ qua (không sử dụng trong tính toán biên độ phá giá), doanh nghiệp vì vậy chắc chắn sẽ được Cơ quan điều tra “tặng” mức thuế suất rất cao.

Thực tế cho thấy với các doanh nghiệp không có phần mềm khớp nối các số liệu từ nguyên liệu, vật tư đầu vào đến sản xuất, kho, bán hàng về cả lượng và giá trị sẽ làm cho công việc đối chiếu trở nên vô cùng khó khăn, tốn nhiều công sức, thời gian và trong nhiều trường hợp là không thể làm được (do số liệu bị sai lệch giữa các khâu). Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng hai hệ thống để theo dõi số liệu sản xuất thực tế (theo lượng) và số liệu hạch toán kế toán (theo giá trị). Cá biệt hơn có những doanh nghiệp chỉ sử dụng phần mềm để lập báo cáo tài chính, phần còn lại (ví dụ như số liệu sản xuất) ghi chép tay hoặc ghi chép rời rạc/sơ sài bằng excel, gây rất nhiều khó khăn, rủi ro cho quá trình này. Nếu không có hồ sơ chứng minh để giải thích hợp lý cho các chênh lệch về số liệu, thông tin, bản trả lời sẽ bị coi là không đáng tin cậy và do đó sẽ bị cơ quan điều tra loại bỏ và thay bằng số liệu bất lợi để tính thuế, dẫn tới mức thuế thường là rất cao cho doanh nghiệp.

Hạn chế trong việc trình bày thông tin và chuẩn bị tài liệu

Các cuộc điều tra phòng vệ thương mại nói chung và chống phá giá nói riêng thường đòi hỏi số liệu phải được trình bày theo các biểu mẫu của cơ quan điều tra và bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh và/hoặc ngôn ngữ của cơ quan điều tra). Yêu cầu này đòi hỏi không chỉ kinh nghiệm trình bày, kỹ năng excel thành thạo mà còn cả chuyên môn về phân tích số liệu để nhanh chóng kiểm tra, phát hiện những điểm bất thường của số liệu được đưa vào biểu mẫu và thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, riêng biệt trong điều tra chống phá giá như thế này đối với một doanh nghiệp lớn, có hệ thống và nhân sự tương đối tốt, thậm chí là đã có kinh nghiệm kháng kiện, cũng không hề đơn giản.

Thực tế rất nhiều cuộc điều tra cho thấy, doanh nghiệp rất khó để tự xác định và chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết để chứng minh cho số liệu khai báo hoặc không nắm rõ thông tin nào là có lợi, thông tin nào gây bất lợi cho việc tính toán biên độ phá giá. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng thường không lưu trữ và cập nhật đầy đủ khi thay đổi một số yếu tố sản xuất quan trọng như quy cách đóng gói sản phẩm hoặc định mức sản xuất thực tế. Với việc này, doanh nghiệp có thể sử dụng đội ngũ luật sư và chuyên gia phân tích thông thạo pháp luật và thông lệ điều tra tại nước sở tại cũng như hệ thống của doanh nghiệp tại Việt Nam để hỗ trợ hiệu quả.

Giải pháp và khuyến nghị cho Doanh nghiệp

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và đạt được các kết quả có lợi trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần quan tâm và có sự đầu tư hợp lý để đảm bảo hệ thống kế toán và quản lý dữ liệu của mình có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các cuộc điều tra này.

Trước hết, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật và nâng cấp phần mềm kế toán để đảm bảo việc hạch toán, lưu trữ và truy xuất số liệu chính xác khi cần thiết, giảm thiểu sai sót về số liệu cũng như thời gian chuẩn bị hồ sơ so với việc trình bày báo cáo theo phương pháp thủ công.

Doanh nghiệp cũng cần tăng cường việc đào tạo nhân sự và triển khai các quy trình kiểm soát nội bộmột cách định kỳ. Một hệ thống kiểm soát nội bộ, báo cáo hiệu quả sẽ giúp cho quá trình đối chiếu số liệu và cung cấp tài liệu chứng từ cần thiết được chính xác và nhanh chóng.

Thêm vào đó, đối với những cuộc điều tra tại các thị trường quan trọng mang tính “sống còn” đối với doanh nghiệp, cần thiết phải có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và pháp lý từ các chuyên gia số liệu và luật sư có kinh nghiệm và uy tín tại nước sở tại, bởi khi đó việc báo cáo số liệu cho cơ quan điều tra không chỉ đòi hỏi tính chính xác mà còn phải được xuất trình theo cách có lợi nhất cho tính toán biên độ của doanh nghiệp. Hơn nữa, uy tín của luật sư cũng giúp doanh nghiệp tạo độ tin cậy tốt hơn với cơ quan điều tra. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ những chuyên gia và luật sư trong nước có kinh nghiệm, hiểu biết về luật và thực tiễn điều tra chống phá giá cũng rất quan trọng vì sẽ giúp xử lý các vấn đề đặc thù của doanh nghiệp và hệ thống kế toán Việt Nam, giải thích, chứng minh, thuyết phục và hỗ trợ luật sư nước ngoài khi làm việc với các cơ quan điều tra.  Trong rất nhiều trường hợp, đội ngũ luật sư có uy tín, kinh nghiệm có thể giúp các doanh nghiệp thay đổi từ thế bị động trả lời câu hỏi, bị thẩm tra sang chủ động dẫn dắt và thuyết phục cơ quan điều tra sử dụng những thông tin có lợi cho mình.
 

[1] Hàng xuất khẩu Việt Nam bị kiện chống bán phá giá lần đầu tiên ở nước ngoài vào năm 1994, với vụ Columbia điều tra mặt hàng gạo xuất khẩu sang nước  này.
[2] Trong số 49 vụ điều tra chống phá giá kể từ năm 1994 cho đến nay, chỉ có 10 vụ không dẫn đến kết luận áp thuế chống bán phá giá (trong đó 4 vụ là do nguyên đơn rút đơn kiện), có 01 vụ có mức thuế suất chống phá giá do doanh nghiệp bị đơn bắt buộc dưới 5%.
[3]Giá trị thông thường của sản phẩm bị điều tra có thể được tính bằng (i) giá bán của sản phẩm đó tại thị trường Việt Nam, hoặc (ii) giá bán của sản phẩm đó tại một nước thứ ba, hoặc (iii) giá thành của sản phẩm đó cộng chi phí và lợi nhuận hợp lý khác. Do Việt Nam bị coi là nền kinh tế phi thị trường, thực tiễn của cơ quan điều tra nước ngoài như EU và Hoa Kỳ thường xuyên tính toán giá trị thông thường theo cách thứ (iii) trong đó, cơ quan điều tra không sử dụng các dữ liệu về giá trị thực tế mà doanh nghiệp phải trả cho các yếu tố đầu vào khi tính toán giá thành mà thay vào đó, sử dụng giá trị thay thế của nước có nền kinh tế thị trường

Đinh Ánh Tuyết, Nguyễn Tuấn Vũ - Văn phòng Luật IDVN Việt Nam
Nguồn:
Bản tin Phòng vệ Thương mại số 7, Quý III/2015

 
Quảng cáo sản phẩm