“Khẩu súng” của Mỹ vẫn đang lên đạn

06/08/2018 12:00 - 771 lượt xem

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU dường như đã được tháo ngòi sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuần trước. Song, nhiều quan chức EU không tỏ ra quá lạc quan. Họ ví von rằng, “khẩu súng” của Mỹ vẫn được lên đạn, nó chỉ ngừng chĩa vào đối phương mà thôi.

Khi đến Phòng Bầu dục để đàm phán về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, mang theo một món quà nhỏ tặng Tổng thống Donald Trump. Đó là bức ảnh nghĩa trang ở Luxembourg, nơi chôn cất vị Tướng Mỹ George S. Patton, chỉ huy các lực lượng đồng minh trong cuộc đổ bộ Normandy thời Chiến tranh thế giới thứ 2.

“Donald thân mến, hãy nhớ lịch sử chung của chúng ta” - Juncker, cựu thủ tướng của Luxembourg viết lời đề tặng. Có thể, ông muốn ám chỉ vai trò đồng minh lâu đời của người Mỹ với người châu Âu. Cũng có thể, ông bóng gió kết cục của các cuộc chiến tranh đều là... nghĩa địa.

Rời Phòng Bầu dục sau cuộc hội đàm hơn 2 tiếng với Tổng thống Mỹ, ông Juncker mang về một “thỏa thuận”, cũng có thể so sánh như một “lệnh ngừng bắn”, tháo ngòi cuộc chiến thương mại đang diễn ra căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, một mặt các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh của châu Âu cảm thấy phấn khởi vì cuộc khủng hoảng kinh tế giữa hai bên tạm thời được ngăn chặn, mặt khác họ cũng tỏ ra hết sức cảnh giác với những cam kết của ông Trump, sau quá nhiều “thất thường” trong cách điều hành của ông, 18 tháng kể từ khi nhậm chức.

Ngay cả khi Tổng thống Mỹ gọi cuộc gặp với ông Juncker là một “thành công lớn” thì phía EU vẫn hoài nghi rằng, liệu thỏa thuận vừa rồi có thể coi là sự cải thiện đáng kể trong quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương không, hay đơn giản chỉ là một ví dụ nữa về cách tiếp cận khó đoán của một tổng thống cách đây ít lâu còn gọi châu Âu là “kẻ thù”.
Song đối với ông Juncker thì kết quả này là một… chiến thắng. Tổng thống Mỹ đã đồng ý rút lại lời đe dọa đó để hai bên bắt đầu các cuộc đàm phán rộng hơn.

Trước khi bước vào cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, ông Juncker đã hứa sẽ tăng nhập khẩu đậu nành và khí hóa lỏng của Mỹ. Các quan chức châu Âu cho rằng, đề nghị này là quan trọng đối với ông Trump và đó là yếu tố góp phần dẫn tới thành công của cuộc hội đàm. Họ cũng phải thừa nhận rằng, lời đe dọa của ông Trump về thuế ô tô là thách thức mạnh mẽ buộc châu Âu phải suy nghĩ, mặc dù trước đó EU cam kết sẽ không thương lượng với Mỹ khi thuế kim loại vẫn đang có hiệu lực.

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đã đúc rút ra rằng, cách duy nhất để đối phó với Tổng thống Donald Trump là đàm phán với ông ấy, một cách thức mà ông Juncker và nhiều quan chức khác từng bác bỏ vì cho rằng nó không thân thiện với hệ thống toàn cầu.

Guntram B. Wolff, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Bruegel ở Brussels nhận xét: “Thành công của ông Juncker là làm cho Tổng thống Mỹ tuyên bố công khai về việc sẽ xem xét lại thuế kim loại, đồng thời không áp đặt mức thuế mới đối với ô tô nhập khẩu”. “Song đối với EU, khẩu súng (của Mỹ) vẫn đang lên đạn. Nó chỉ không chĩa vào chúng ta. Đây là giờ phút tốt để đàm phán”, ông Guntram được tờ The New York Times dẫn lời.

Một số nhà phân tích cho rằng, các cuộc đàm phán sắp tới rất có thể sẽ làm hồi sinh Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TIIP), một “công trình” của cựu Tổng thống Barack Obama bị Tổng thống Donald Trump hủy bỏ.

Mỹ và EU đang chiếm một nửa nền kinh tế toàn cầu, và các nhà phân tích lạc quan về những cam kết của ông Trump và ông Juncker để cùng nhau cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trên thế giới. Tập trung vào WTO cũng là phù hợp với chiến lược tổng thể của EU, nhằm bảo vệ trật tự của thế giới đa phương - chứ không phải kiểu thỏa thuận song phương mà ông Juncker và ông Trump vừa đạt được.

“Câu trả lời cho chính sách “Nước Mỹ trên hết” chỉ có thể là: “Châu Âu đoàn kết” - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kết luận. 
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm