Kinh tế thương mại Việt - Nga trước những thời cơ mới

20/11/2014 12:00 - 654 lượt xem

VOV.VN - Hai nước cần có những ưu đãi tối đa như miễn thuế hàng hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho vốn đầu tư nước ngoài.

Trước thềm chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, phóng viên VOV thường trú tại Nga đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Kinh tế Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga về quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước.

PV: Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện đang phát triển rất tốt đẹp trên tinh thần đối tác chiến lược toàn diện. Là chuyên gia kinh tế nghiên cứu về Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước?

GS. TSKH. V.Mazyrin: Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga đang đứng trước những thời cơ mới. Tiến trình đàm phán Hiệp định Tự do thương mại (FTA) giữa Liên minh Hải quan với Việt Nam đang diễn ra tích cực và có thể ký kết được vào đầu năm 2015.

Hiệp định này có hiệu lực sẽ cho phép tăng kim ngạch thương mại của các thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu nói chung (chính thức hoạt động từ đầu năm 2015, thay thế cho Liên minh Hải quan hiện nay) và tất nhiên là với những nước ký Hiệp định FTA với liên minh này. Nga là nền kinh tế lớn nhất trong liên minh, do đó Việt Nam cũng sẽ có kim ngạch thương mại lớn nhất với Nga trong khuôn khổ hợp tác Liên minh kinh tế Á-Âu.

Thời gian qua, hai bên đã thoả thuận tăng cường cung cấp thực phẩm từ Việt Nam sang Nga như thịt lợn đông lạnh, hải sản, phía Nga tạo điều kiện hấp dẫn hơn đối với các nhà cung cấp thực phẩm Việt Nam và có thể điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những thuận lợi và khó khăn đối với hợp tác kinh tế song phương sau khi Hiệp định FTA giữa Liên minh Hải quan với Việt Nam có hiệu lực.

GS. TSKH. V.Mazyrin: Theo tôi, thuế suất đối với đa số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu có thể sẽ cao hơn mức 0,5%, nhưng chắc chắn là sẽ thấp hơn so với trước. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh, tiếp tục xu hướng xuất siêu sang thị trường Nga từ mấy năm trở lại đây.

Còn về xuất khẩu của Nga sang Việt Nam đang có những vấn đề nhất định. Mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam đối với hàng hoá của Nga không cao, khác với rào cản thuế quan mà Nga áp dụng với Việt Nam. Đối với lĩnh vực xuất khẩu của Nga có những vấn đề rất mang tính cơ cấu, thiên về cung cấp nguyên liệu. Đây là đặc điểm chung trong xuất khẩu của Nga giai đoạn hiện nay. Điều này không mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh tại Việt Nam.

Chúng tôi thấy rằng, ở nơi cần tới khả năng cạnh tranh về hàng hoá, về những dịch vụ công nghệ cao, về thông tin thì khả năng cạnh tranh của chúng tôi không cao và rõ ràng các doanh nghiệp Nga có thể sẽ bị thua trong cuộc cạnh tranh này tại Việt Nam. Và đó cũng là lý do tại sao xuất khẩu của Nga tăng trưởng chậm hơn so với nhập khẩu từ Việt Nam.

PV: Vậy hai nước cần phải làm gì để tăng kim ngạch thương mại và tăng cường hợp tác đầu tư?

GS. TSKH. V.Mazyrin: Đây là những vấn đề quan trọng cần phải thảo luận khi hai bên cũng có những quan điểm khác nhau. Với tư cách là chuyên gia, tôi và các đồng nghiệp của tôi có những đề xuất với các cơ quan hữu quan của Nga, việc chấp nhận ra sao thì còn phải chờ đợi.

Điều cốt yếu hiện nay là đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nguyên tử, cụ thể là dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ngoài ra, hiện nay nước Nga đã để mất đi một loạt ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, trong khi đó những ngành này ở Việt Nam lại đang phát triển ở mức độ cao. Ví dụ như ngành công nghiệp dệt may hay ngành công nghiệp nhẹ nói chung. Nên đưa những ngành công nghiệp đó trở lại Nga thông qua những hình thức hợp tác cụ thể với Việt Nam.

Trong hợp tác đầu tư giữa hai nước, tôi có kết luận và phương pháp tiếp cận hơi bất ngờ một chút. Trước đây, vốn đầu tư chủ yếu từ Nga vào Việt Nam, nhưng vài năm gần đây, lại thấy điều ngược lại: Vốn từ Việt Nam đổ vào Nga. Điều này phản ánh sự  hồi sinh, phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của Việt Nam trên phương diện công nghệ và Việt Nam có những lợi ích khi đầu tư vào ngành công nghiệp khai thác dầu khí ở Nga cũng như các lĩnh vực khác.

Chúng tôi cũng đề xuất hình thức hợp tác theo khu vực giữa hai nước. Nga có thể mời Việt Nam tham gia vào một đặc khu kinh tế ở Viễn Đông và ngược lại tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng một đặc khu tương tự.

Cả hai phía nên tạo dựng những đặc khu kinh tế, có quy mô nhỏ, mang tính địa phương, song có những ưu đãi tối đa như miễn thuế hàng hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho vốn đầu tư nước ngoài, miễn các loại thuế trong thời gian vài năm, có nghĩa là tạo nền tảng thuận lợi cho đầu tư.

Nga rất quan tâm tới hợp tác ở Khánh Hòa vì nhiều lí do. Trước hết, Nha Trang là điểm đến số một của du khách Nga. Ngoài ra là hợp tác kinh tế, khai thác cơ sở hậu cần dịch vụ kỹ thuật quân sự... Đây chỉ là một vài đề xuất của chúng tôi, còn rất nhiều dự án và tiềm năng khác giữa hai nước. Cần phải tích cực hợp tác hơn nữa để đầu tư giữa hai nước có phát triển đột phá trong những năm tới.

PV: Cảm ơn ông!./.

Nguồn: VOV
Quảng cáo sản phẩm