Liên tiếp bị kiện, thép Việt phải làm gì? Phương thức “Né” kiện thương mại

08/10/2018 12:00 - 749 lượt xem

Các vụ việc phòng vệ thương mại ở nước ngoài cần được xem là nguy cơ thường trực, có thể xảy ra ở bất kỳ thị trường nào, với bất kỳ sản phẩm nào.

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCCI) khi trả lời phỏng vấn báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Số liệu thống kê cho thấy có tới 40 trong tổng số 81 vụ kiện về chống bán phá giá mà hàng hóa Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường xuất khẩu là liên quan đến ngành thép. Dưới góc độ chuyên gia, theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Bị kiện chống bán phá giá ở các thị trường xuất khẩu là điều không doanh nghiệp nào mong muốn. Tuy nhiên, dù muốn hay không đây vẫn là một thực tế mà chúng ta phải đối mặt. Đã từ lâu, kiện phòng vệ thương mại (mà chủ yếu là kiện chống bán phá giá) đã không còn xa lạ trong thương mại quốc tế. Bất kỳ sản phẩm nào có tiềm năng một chút trong xuất khẩu cũng có thể phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ nói chung và kiện chống bán phá giá chứ không riêng gì sản phẩm thép.

Tuy nhiên, từ số liệu thống kê, có thể thấy ngành thép đã và đang phải đối mặt với nguy cơ này cao hơn hẳn so với các ngành khác, các sản phẩm khác. Điều này có thể xuất phát từ nhiều lý do, trong đó đáng chú ý có 03 nguyên nhân sau.

Thứ nhất, trên bình diện quốc tế, từ đã rất lâu rồi, thép luôn đứng đầu danh sách các sản phẩm là đối tượng bị kiện chống bán phá giá trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường nhập khẩu thép hàng đầu như Mỹ. Ngành sản xuất thép nội địa của Mỹ được đánh giá là “nhà vô địch” trong sử dụng công cụ này, cũng là nhóm có thế lực chính trị rất mạnh. Trong bối cảnh như vậy, việc thép Việt Nam bị kiện nhiều nhất so với các sản phẩm khác cũng không phải là bất thường.

Thứ hai, trong khoảng vài năm trở lại đây, ngành thép thế giới trải qua cuộc khủng hoảng thừa nghiêm trọng, để tránh bị “ngập lụt” về thép nhập khẩu, đặc biệt là thép giá rẻ từ Trung Quốc, các thị trường đều lần lượt tiến hành các biện pháp phòng vệ đối với đủ loại sản phẩm thép. Tiếp sau đó lại tới các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, nhằm ngăn chặn hiện tượng thép bị áp thuế lẩn tránh qua các thị trường khác. Số lượng các vụ việc phòng vệ, từ chống bán phá giá đến trợ cấp, tự vệ đối với thép tăng lên theo cấp số nhân trong giai đoạn này. Trong “vòng xoáy” này, thép Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng đáng kể.

Thứ ba, là từ tháng 3/2018, Mỹ bắt đầu áp dụng thuế bổ sung đối với một số sản phẩm nhôm thép nhập khẩu ở mức 10-25% tùy loại, với lý do “an ninh quốc phòng” dẫn tới những biến động, chuyển hướng của dòng lưu chuyển của các sản phẩm nhôm thép sang các thị trường khác. Và để bảo vệ mình, các thị trường này cũng đã và đang tăng cường các biện pháp phòng vệ đối với nhôm thép nhập khẩu. Ví dụ Liên minh Châu Âu, Liên minh Kinh tế Á Âu đã áp dụng biện pháp tự vệ với một loạt sản phẩm nhôm thép. Thế giới vì vậy lại đang chứng kiến một đợt sóng phòng vệ mới đối với nhôm thép.

- Nhiều quan điểm cho rằng phần lớn doanh nghiệp bị điều tra là do chưa am hiểu pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu. Đồng thời, thép của Việt Nam "bị kiện nhiều hơn" do doanh nghiệp thép tập trung phát triển một vài lợi thế nhất định trong toàn chuỗi với chi phí sản xuất rẻ. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Đúng là trong khá nhiều vụ tranh chấp dẫn tới kiện tụng ở nước ngoài, nguyên nhân chính xuất phát từ việc doanh nghiệp chúng ta không am hiểu pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có kiện chống bán phá giá giá, nguyên nhân phần nhiều lại nằm ở lý do khác.

Từ góc độ pháp lý, các vụ kiện phát sinh khi bên nguyên đơn (ngành sản xuất nội địa nước xuất khẩu) cho rằng hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, được trợ cấp hoặc nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại cho họ. Như vậy, ở đây hầu như không có yếu tố vi phạm pháp luật hay cơ chế quản lý ở nước sở tại. Quan trọng ở đây là đánh giá và hiện trạng thiệt hại của ngành sản xuất nước nhập khẩu. Một khi họ đã quyết định kiện thì tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm liên quan vào thị trường đó từ nước xuất khẩu bị kiện đều sẽ là bị đơn trong vụ kiện. Dù doanh nghiệp đó có am hiểu hay không am hiểu pháp luật, cơ chế quản lý nước nhập khẩu thì vẫn bị liên quan như thường.

Ngoài ra, cần chú ý rằng Việt Nam hiện vẫn phải chịu quy chế kinh tế phi thị trường trong các điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ở nhiều thị trường. Điều đó có nghĩa là nếu bị kiện, doanh nghiệp chúng ta sẽ không được áp dụng phương pháp tính toán chuẩn mực và vì vậy luôn chịu thua thiệt trong các kết quả điều tra. Đây cũng là một trong các “động lực” khuyến khích các ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu đi kiện chúng ta.

Từ góc độ thực tế, các vụ kiện thường sẽ phát sinh khi ngành sản xuất nội địa cảm thấy sức cạnh tranh của hàng hóa mình sản xuất ra với hàng nhập khẩu bị đe dọa. Trong một chừng mực nhất định thì hàng hóa xuất khẩu của chúng ta càng có năng lực cạnh tranh cao thì nguy cơ bị kiện càng cao. Hoặc trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khủng hoảng thị trường hoặc cầu giảm… ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu vẫn có xu hướng sử dụng các công cụ kiện phòng vệ để hạn chế dòng chảy cho hàng nước ngoài vào thị trường mình. Từ góc độ này, chuyện doanh nghiệp hiểu hay không hiểu pháp luật nước nhập khẩu không có mấy ý nghĩa.

Tất nhiên cũng có thể có một số ít trường hợp trong đó doanh nghiệp vì thiếu kiến thức hoặc ham lợi trước mắt mà cấu kết với doanh nghiệp nước ngoài để cho chuyển khẩu hoặc gian lận về xuất xứ, dẫn tới doanh nghiệp cả ngành bị kiện chống lẩn tránh thuế. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng nước nhập khẩu thực hiện chính sách bảo hộ trá hình, cố tình điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế đối với các hình thức sản xuất vốn về bản chất là bình thường.

Về chuyện doanh nghiệp chỉ sản xuất một vài công đoạn, một số loại sản phẩm tập trung, với giá thành rẻ, tôi cho rằng đây là câu chuyện thị trường, là lựa chọn kinh doanh của doanh nghiệp. Sản phẩm hay công đoạn nào có thị trường, có khách hàng, có lợi nhuận thì doanh nghiệp mới làm. Mà đã làm thì một trong những mục tiêu là phải làm với giá thành thấp nhất có thể, để cạnh tranh tốt hơn.

Vì vậy sản xuất ở công đoạn nào, bán giá thấp bao nhiêu không thể là lỗi của doanh nghiệp, càng không thể khuyến nghị doanh nghiệp đừng sản xuất loại này loại kia, hay phải đặt giá thật cao được. Quan trọng hơn, như phân tích ở trên, cả từ góc độ pháp lý và thực tiễn, nguyên nhân của việc bị kiện hầu như không nằm ở hành vi, sản xuất hay nhận thức pháp lý của doanh nghiệp.

- Vậy, chúng ta có giải pháp nào để tránh các vụ việc xảy ra hay không, thưa bà?

Với những thông tin như trên, có thể thấy cơ bản thì chúng ta không thể tránh được các vụ kiện phòng vệ ở nước ngoài. Chúng ta chỉ có thể hạn chế bớt nguy cơ bị kiện hoặc khi đã bị kiện thì giảm thiệt hại mà thôi.
Phần lớn các vụ kiện phát sinh chủ yếu từ động thái của ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu. Mà họ thì thường sẽ “gióng giả” về vấn đề này khá lâu trước khi chính thức đi kiện. Đó có thể là những cáo buộc về hàng hóa nhập khẩu giá quá rẻ hoặc cáo buộc về hành vi lẩn tránh thuế…

Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi sát các động thái của ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu. Nếu phát hiện nguy cơ cao, các doanh nghiệp (thông qua hiệp hội) có thể trao đổi với các nhà sản xuất nước nhập khẩu để làm rõ tình hình, cũng có thể là để thỏa thuận trong chừng mực có thể… qua đó thuyết phục họ không kiện.

Thông qua việc giám sát động thái này, doanh nghiệp có thông tin, có thời gian để chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho vụ kiện khi nó xảy ra, qua đó đạt được kết quả điều tra tốt nhất, giảm thiểu thiệt hại.

- Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Quảng cáo sản phẩm