Malaysia tăng cường điều tra chống bán phá giá

08/12/2014 12:00 - 1201 lượt xem

Theo thông tin từ Hãng thông tấn quốc gia Malaysia - Bernama,, Malaysia hy vọng trong thời gian tới sẽ tăng cường việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Malaysia.

Ông Mohamed Shahabar Abdul Kareem, Vụ trưởng Vụ Đàm phán và Chính sách thương mại đa phương của Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cho biết “Malaysia dự đoán trong thời gian tới sẽ có sự gia tăng điều tra vụ việc chống bán phá giá, nhưng không phải đến mức cấp số nhân”. Ông Mohamed Shahabar ước tính có thể lên đến 6 vụ việc trong một năm, so với 3 đến 4 vụ việc trong những năm vừa qua.

Sau khi tham dự một buổi hội thảo về phòng vệ thương mại được tổ chức tại Kuala Lumpur – Malaysia vào ngày 28/10/2014 vừa qua, ông Mohamed Shahabar trả lời với các phóng viên về sự gia tăng các vụ việc chống bán phá giá là do nhiều doanh nghiệp Malaysia đã nhận thức được việc phải sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu. Ông Mohamed Shahabar còn cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp Malaysia đã trao đổi với MITI rằng khi giá nguyên liệu thô giảm, ngành công nghiệp cảm thấy gánh nặng trong bối cảnh dư thừa nguồn cung, và do đó họ đang thăm dò về việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm đối phó với tình hình khó khăn hiện nay.

Bộ ba biện pháp phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, được điều chỉnh theo khuôn khổ pháp lý của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và được chấp nhận trong thực tiễn thương mại của Malaysia. Tính từ năm 1995 cho đến nay, Malaysia đã khởi xướng điều tra 27 vụ kiện chống bán phá giá, và chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, MITI đã tiến hành 3 vụ việc liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu thép cuộn cán nóng (có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc), nhựa polyethylene (từ Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc) và thép thanh (từ Trung Quốc, Hàn Quốc).

 “Chống bán phá giá là công cụ rất quan trọng giúp cho các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh và nếu hành vi bán phá giá xảy ra, có thể dẫn đến việc doanh nghiệp phải đóng cửa và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của công nhân”, ông Mohamed Shahabar nói về hiệu quả của việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Khi được hỏi là các doanh nghiệp trong nước nên làm gì nếu bị nước ngoài điều tra bán phá giá sản phẩm xuất khẩu của họ, ông Mohamed Shahabar cho biết MITI sẽ hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng lập luận phản đối vụ kiện và có thể tham vấn trực tiếp với nước điều tra để bày tỏ quan điểm của chính phủ Malaysia về vụ việc. Đối với các doanh nghiệp có liên quan trong cuộc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài thì ông Mohamed Shahabar khuyến nghị doanh nghiệp tốt nhất nên đến làm việc và trao đổi với MITI.

(Tổng hợp từ: http://malaysianlaw.my/competition/news/malaysia-to-see-more-anti-dumping-cases-MY12141.html và http://www.bernama.com/bernama/v7/newsindex.php?id=1080138)

Nguồn: Phòng Điều tra vụ kiện PVTM của doanh nghiệp trong nước-
Cục Quản lý cạnh tranh
Quảng cáo sản phẩm