Muốn “né” phòng vệ thương mại, thép Việt phải tự chủ nguyên liệu

04/12/2019 12:00 - 1070 lượt xem

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước để tránh rơi vào các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy: Tháng 11, sản lượng thép thô ước đạt 1.607 nghìn tấn; thép cán ước đạt 562,9 nghìn tấn; thép thanh, thép góc ước đạt 735,3 nghìn tấn, lần lượt tăng 2,4%; 5,5% và 45,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2019, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 37,5%; 7,7% và 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về giá bán, cùng với diễn biến tăng giá của một số nguyên liệu, giá thép xây dựng trong nước tháng 11 cũng phục hồi nhẹ với mức tăng phổ biến là 150.000 đồng/tấn so với tháng trước (tương đương khoảng 1%).

Yếu tố giá tăng trên thị trường thép thế giới cũng như trong nước đã kích thích sức mua của thị trường trong 3 tuần đầu tháng 11. Tuy nhiên, sang tuần cuối tháng 11, do nhu cầu thực của thị trường nội địa vẫn yếu nên lượng bán ra của các nhà sản xuất bắt đầu chậm lại.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đánh giá: Hiện tại, ngành thép Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn tại một số thị trường do các nước đang tiến hành các biện pháp tự vệ đối với Việt Nam.

Gần nhất, ngày 8/11, Canada đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) từ Việt Nam và một số nước.

Vì vậy, cùng việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, trao đổi thông tin, cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước.

Xung quanh câu chuyện ngành thép Việt thường xuyên rơi vào “vòng xoáy” kiện phòng vệ thương mại, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, không ít lần, chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, nguyên là Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) phân tích: Thời gian gần đây, chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên rầm rộ trên thế giới. Ngành thép Việt Nam bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại.

Những vụ kiện này đến từ các thị trường tương đối lớn, là "xương sống" trong xuất khẩu thép. Điển hình là thị trường Hoa Kỳ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN, thậm chí cả Liên minh kinh tế Á-Âu. Những vụ kiện này ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng xuất khẩu của thép Việt.

Về nguyên do khiến thép Việt liên tục dính vào các vụ kiện phòng vệ thương mại, theo ông Sưa: Thứ nhất, thép là nguyên liệu cho tất cả các ngành công nghiệp và xây dựng. Đây là vật liệu chiến lược nên nhiều nước chú ý đến.

Thứ hai, những năm gần đây, ngành thép Việt tăng trưởng nhanh. Ngoài mở rộng tại thị trường trong nước, xuất khẩu thép cũng đạt những kết quả tốt. Ví dụ, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu đạt 3,6 triệu tấn thép nhưng tới năm 2017, con số xuất khẩu đã đạt 4,7 triệu tấn thép…

“Việc xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng nhanh khiến thép Việt bị các nước chú ý, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước", ông Sưa nhấn mạnh.

Theo ông Sưa, các doanh nghiệp ngành thép cần thường xuyên nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế; cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, tránh xuất khẩu tập trung vào một thị trường dẫn tới kim ngạch xuất khẩu có sự gia tăng đột biến, tạo cớ cho thị trường nhập khẩu khởi kiện.

Một số chuyên gia nhận định: Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu thép ngày càng tăng. Đây là cơ hội lớn cho ngành thép phát triển.

Khi bị kiện ở nước ngoài nhiều, muốn phát triển, Việt Nam phải bảo vệ bằng được thị trường thép trong nước, ngăn cản việc nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được. Bộ Công Thương cần đẩy mạnh sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất thép nội địa.
Nguồn Hải Quan online
Quảng cáo sản phẩm