Mỹ không dễ đánh thuế pin mặt trời Trung Quốc

04/05/2024 05:56 - 25 lượt xem

Bộ Thương mại Mỹ muốn áp dụng phòng vệ thương mại với tấm pin mặt trời Trung Quốc, nhưng các nhà lắp đặt dự án không muốn điều này.

 

Bảy công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Na Uy đã nộp đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đồng thời yêu cầu Tổng thống Joe Biden áp đặt thuế đối với thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo từ 4 quốc gia châu Á để bảo vệ hàng tỷ USD đầu tư vào sản xuất của Hoa Kỳ.

 

Đây là diễn biến mới nhất về xung đột giá cả giữa các nhà sản xuất thiết bị phục vụ ngành kinh tế xanh. Trung Quốc, Mỹ, châu Âu là những “nhân vật” chính trên sân khấu này. Và động thái này cũng gián tiếp thừa nhận chuyến đi đến Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen không đạt được bất cứ thành công nào trong việc thuyết phục các nhà sản xuất tại đây cắt giảm công suất.

 

Hãng tin Reuters cho hay, Ủy ban Thương mại, sản xuất năng lượng mặt trời Liên bang Hoa Kỳ đang “để mắt” đến các công ty Trung Quốc có nhà máy ở Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan - làm tràn ngập thị trường Hoa Kỳ với các tấm pin có giá thấp hơn chi phí sản xuất của họ.

 

Hơn 2 tuần sau khi bà Janet Yellen trở về từ Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ đang “cân nhắc các biện pháp phòng vệ thương mại” với mặt hàng này. Chính quyền Biden đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc làm bùng nổ công suất nhà máy sản xuất hàng hóa năng lượng sạch.

 

Tuy nhiên, ông Joe Biden cũng ban hành Đạo luật mang tính bước ngoặt về biến đổi khí hậu; Đạo luật Giảm lạm phát, bao gồm các ưu đãi dành cho các công ty sản xuất thiết bị năng lượng sạch ở Hoa Kỳ, giúp ra đời 40 nhà máy với mức đầu tư xấp xỉ 13 tỷ USD.

 

Các công ty khởi kiện đang yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp đặt thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp để bù đắp tác động của trợ cấp nước ngoài và đảm bảo sản phẩm được định giá theo giá thị trường tự do.

 

Theo thông lệ, vụ kiện thương mại dự kiến sẽ kéo dài khoảng một năm, mặc dù thuế quan có thể được áp dụng ngay sau khi Bộ Thương mại đưa ra phán quyết sơ bộ trong khoảng 4 tháng đối với thuế chống trợ cấp và 6 tháng đối với thuế chống bán phá giá.

 

Tim Brightbill, luật sư đại diện pháp lý cho 7 công ty khởi kiện bày tỏ lo ngại: “Thật không may, những hành động đó không đủ để giải quyết tình trạng giá giảm hơn 50% mà chúng tôi đã thấy cũng như tình trạng bán phá giá và trợ cấp tràn lan liên quan đến 4 quốc gia này”.

 

Nhưng, ngay tại Mỹ đang xảy ra tranh cãi dữ dội giữa các “nhóm lợi ích”, phía các nhà lắp đặt, thi công dự án năng lượng sạch từ lâu đã phản đối thuế quan vì họ dựa vào hàng nhập khẩu giá rẻ để giữ chi phí ở mức thấp.

 

Đối với cá nhân ông Biden, các biện pháp phòng vệ thương mại về năng lượng mặt trời có ý nghĩa khôi phục ngành sản xuất trong nước và tạo việc làm, đồng thời khuyến khích triển khai năng lượng sạch để hoàn thành mục tiêu giảm phát thải - nhiệm vụ toàn cầu do Mỹ khởi xướng tại COP26.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Quảng cáo sản phẩm