Mỹ quyết liệt hơn với việc dời chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc

08/05/2020 12:00 - 279 lượt xem

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng tốc cuộc vận động di dời các chuỗi ung ứng công nghiệp toàn cầu khỏi Trung Quốc giữa lúc Nhà Trắng cân nhắc việc áp thuế mới nhắm vào Trung Quốc để trừng phạt cách xử lý dịch Covid-19 của nước này.


Covid-19 thúc bách Mỹ giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc


Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vốn chỉ trích cách xử lý dịch Covid-19 Trung Quốc, từ lâu đã cam kết đưa hoạt động sản xuất từ nước ngoài trở về nước.


Giờ đây, cơn suy thoái kinh tế cùng với số người Mỹ chết do nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao đã thúc đẩy một cuộc vận động rộng rãi trong Chính phủ Mỹ nhằm đưa hoạt động sản xuất và chuỗi ung ứng của các công ty Mỹ từ Trung Quốc trở về Mỹ và đến các nước thân thiện với Mỹ.


Keith Krach, Thứ trưởng phụ trách mảng môi trường, năng lượng và tăng trưởng kinh tế ở Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi ung ứng ở Trung Quốc trong những năm qua nhưng giờ đây chúng tôi phải thúc đẩy mạnh cuộc vận động đó”.


Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ điều cần thiết là phải nắm bắt được các lĩnh vực then chốt và các điểm nghẽn nguy cấp (trong chuỗi cung ứng)". Krach cho rằng nhiệm vụ đó rất quan trọng đối với nền an ninh Mỹ, vì vậy, Chính phủ cần phải sớm triển khai hành động.


Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính phủ khác của Mỹ đang tìm các phương án để khuyến khích các công ty chuyển hoạt động sản xuất và gia công sản xuất ra khỏi Trung Quốc.


Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết sự ưu đãi thuế và trợ cấp hoạt động đưa sản xuất trở về Mỹ là một trong số những biện pháp mà chính phủ Mỹ đang cân nhắc để thúc đẩy sự chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.


Một quan chức Mỹ cho hay "toàn bộ Chính phủ Mỹ đang thúc đẩy vấn đề này". Các cơ quan Chính phủ Mỹ cũng đang thẩm định xem hoạt động sản xuất hàng hóa nào là “thiết yếu” và các phương án để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.


Chính sách Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump được định hình thông qua những cuộc tranh luận nảy lửa ở hậu trường giữa những cố vấn ủng hộ thương mại và những quan chức “diều hâu”, có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.


Giờ đây, phe quan chức diều hâu nói rằng “cờ đã đến tay họ”.


Một quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ nói: “Đại dịch Covid-19 đã “kết tinh” tất cả những lo ngại của mọi người về làm ăn với Trung Quốc. Tất cả tiền, mà mọi người nghĩ rằng họ kiếm được nhờ những thương vụ với Trung Quốc trước đó, giờ đây đã bị vơi đi gấp nhiều lần vì thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19”.


Tổng thống Donald Trump từng nhắc đi nhắc lại rằng ông có thể áp thuế mới với với 370 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc (bán sang Mỹ mỗi năm) vốn đang bị Mỹ áp thuế nhập khẩu 25%.


Các công ty nhập khẩu Mỹ, bên phải trả thuế áp vào hàng hóa Trung Quốc, đang phàn nàn các đòn thuế nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt là khi doanh số của họ lao dốc do các lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19.


Nhưng điều này không có nghĩa là Tổng thống Trump ngần ngại áp thêm thuế mới nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, các quan chức chính phủ Mỹ cho hay.


Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang xem xét những phương án khác để trừng phạt Trung Quốc bao gồm các lệnh trừng phạt nhằm các quan chức hoặc các công ty Trung Quốc.


Song các cuộc thảo luận bên trong chính phủ Mỹ về việc di dời chuyển cung ứng khỏi Trung Quốc là rất chi tiết và mạnh mẽ.


Sẽ thành lập mạng lưới thịnh vượng kinh tế, không có Trung Quốc?


Một quan chức Chính phủ Mỹ tiết lộ Mỹ đang thúc đẩy thành lập một liên minh đối tác tin cậy có tên gọi “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”, không bao gồm Trung Quốc. Mạng lưới này sẽ tập hợp các công ty, các nhóm dân sự xã hội hoạt động theo một bộ tiêu chuẩn chung về mọi thứ từ số hóa, năng lượng, hạ tầng cho đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục.


Hôm 29-4, phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nói rằng: “Chúng tôi đang làm việc với những người bạn của chúng tôi ở Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để chia sẻ thông tin và những thực hành tốt nhất khi chúng tôi bắt đầu thúc đẩy kinh tế toàn cầu hướng lên phía trước.


Các cuộc thảo luận của chúng tôi chắc chắn có liên quan đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc giữ các chuỗi ung ứng này vận hành suôn sẻ và khôi phục sức mạnh đầy đủ của các nền kinh tế chúng tôi cũng như cân nhắc về cách chúng tôi tái cấu trúc các chuỗi ung ứng...”


Các nước châu Mỹ Latinh cũng có thể góp sức cho nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc.


Tháng trước, Đại sứ Colombia tại Mỹ,  Francisco Santos, tiết lộ ông đang thảo luận với Nhà Trắng, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, Bộ tài chính Mỹ và Phòng Thương mại Mỹ về cuộc vận động khuyến khích các công ty Mỹ rút bớt các chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và đưa chúng trở về gần Mỹ.


Trung Quốc chiếm ngôi đầu của Mỹ với tư cách là nước sản xuất lớn nhất thế giới của Mỹ vào năm 2010. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng góp 28% sản lượng sản xuất toàn cầu vào năm 2018, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc.


Đại dịch Covid-19 làm nổi bật vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm và chuỗi cung ứng các loại thuốc gốc (generic drug) đang chiếm phần lớn trong các đơn thuốc của bác sĩ tại Mỹ. Nó cũng cho thấy mức độ thống trị của Trung Quốc ở những mặt hàng như camera tầm nhiệt đang rất cần để kiểm tra thân nhiệt của người lao động.


Nhiều công ty Mỹ đã đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động sản xuất ở Trung Quốc và doanh số của họ phụ thuộc lớn vào lực lượng dân số 1,4 tỉ người ở nước này.


“Đa dạng hóa và giảm một số tình trạng dư thừa trong chuỗi ung ứng ở Trung Quốc là điều hợp lý vì đại dịch Covid-19 đã phơi bày mức độ rủi ro nhất định. Nhưng chúng tôi dự báo các công ty sẽ không rút toàn bộ hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc”,  Doug Barry, người phát ngôn của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, nói.


John Murphy, Phó chủ tịch phụ trách chính sách quốc tế ở Phòng Thương mại Mỹ, cho biết các nhà sản xuất Mỹ mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu dược phẩm trong nước. Ông dự báo việc xây dựng thêm các nhà máy dược phẩm mới Mỹ có thể mất từ năm đến tám năm, do vậy, các quan chức Mỹ cần nắm rõ các số liệu đúng trước khi tìm các phương án thay thế chuỗi cung ứng dược phẩm ở Trung Quốc.


Bên cạnh đó, những lời răn đe trừng phạt Trung Quốc của Nhà Trắng không phải lúc nào cũng được thực hiện.


Chẳng hạn, hồi tháng 11 năm ngoái, Nhà Trắng lên kế hoạch ngăn chặn xuất khẩu chip trên toàn cầu cho hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc bằng cách yêu cầu các công ty nước ngoài đang sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải xin phép Mỹ nếu muốn bán chip cho Huawei. Nhưng cho đến nay việc soạn thảo quy định liên quan đến kế hoạch này vẫn chưa hoàn tất.


Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online

Quảng cáo sản phẩm