Mỹ tiếp tục lấy ý kiến về cơ chế giám sát dệt may VN

06/04/2007 12:00 - 1390 lượt xem

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo lấy ý kiến bình luận vòng 2 của các bên liên quan đối với chương trình Giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam. Thời hạn kết thúc đến hết ngày 31/1/2007. Đây là bước tiếp nối sau khi DOC nhận được các bản bình luận vòng 1 của các bên liên quan đối với chương trình này, kết thúc vào ngày 27/12/2006.

Địa chỉ gửi ý kiến bình luận: Ông David Spooner, Vụ Nhập khẩu, phòng 1870, Bộ Thương mại Mỹ, đường 14 - Đại lộ Constitution, Washington D.C. Email: vietnam-texapp-monitor-Frcomments@mail.doc.gov.

Trong vòng 2, các bên liên quan hoặc quan tâm đến việc áp cơ chế giám sát mới đối với dệt may Việt Nam, có thể bình luận bổ sung cho những ý kiến được nêu ra ở vòng 1, hoặc đưa thêm ý kiến mới. Nội dung bình luận có thể tập trung vào các vấn đề chính như việc cung cấp thông tin, cơ chế thông báo và tham vấn, giới hạn sản phẩm, xây dựng mẫu sản xuất, việc đánh giá thông tin 2 lần/năm và tự khởi xướng điều tra...

Ở vòng 1, có ít nhất 19 bên đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu và cơ quan chính phủ có liên quan, gửi bản bình luận công khai đến DOC. Hai luồng ý kiến đối nghịch nhau rõ rệt thể hiện trong các bản bình luận.

Phía phản đối mà đại diện là Văn phòng thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Bộ Thương mại Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội các nhà nhập khẩu Mỹ... cho rằng, việc áp dụng cơ chế giám sát 6 tháng một lần đối với dệt may có xuất xứ Việt Nam là không công bằng và vi phạm các cam kết WTO.

Tuy nhiên, bên ủng hộ mà đặc biệt là Hiệp hội giày da và dệt may Mỹ, cho rằng, nguy cơ đe dọa của hàng dệt may Việt Nam là rất cao và ảnh hưởng đến ngành công nghiệp này của Mỹ.

Cơ chế giám sát 6 tháng một lần đối với hàng dệt may Việt Nam được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra hồi tháng 11 để xoa dịu những phản đối việc thông qua Quy chế bình thường thương mại vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam của 2 nghị sĩ bang Nam Carolina.

Theo cam kết WTO, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới thì chính sách hạn ngạch cho dệt may Việt Nam được áp từ nhiều năm nay phải tự động được bãi bỏ. Các nghị sĩ bang Nam Carolina e ngại ngành công nghiệp da giày, dệt may của Mỹ sẽ gặp khó khăn tương tự như đã xảy ra đối với hàng Trung Quốc, nên gây cản trở cho việc thông qua PNTR với Việt Nam hồi giữa tháng 11.

DOC đã thông báo, sẽ áp cơ chế giám sát 2 lần mỗi năm cho hàng dệt may Việt Nam. Nếu phát hiện thấy có dấu hiệu dệt may Việt Nam được trợ cấp của Chính phủ, hoặc bán dưới giá, Mỹ sẽ lập tức tự khởi động một vụ kiện bán phá giá đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam.

Phan Anh

20/01/2007

Nguồn: vnexpress

Quảng cáo sản phẩm