Năm của các nhiệm vụ về phòng vệ thương mại

12/08/2019 12:00 - 490 lượt xem

Bộ Công Thương cho rằng cần đến sự tham gia, vào cuộc của các đơn vị, bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong đấu tranh phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ, bảo đảm lợi ích của sản xuất trong nước.

Phát biểu tại buổi Tổng kết công tác phòng vệ thương mại 7 tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng chỉ trong vòng khoảng 2 thập kỷ, nước ta đã chứng kiến sự phát triển đột biến về xuất khẩu và hội nhập quốc tế gắn với cải thiện năng lực sản xuất của các ngành nghề, kéo theo độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam lên tới gần 210%.

Hội nhập tác động trực tiếp tới sản xuất trong nước theo nhiều chiều khác nhau, trong đó những nội dung liên quan đến phòng vệ thương mại trở thành nội dung nền tảng quan trọng. Số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại mà Việt Nam có liên quan ở thị trường ngoài nước gia tăng liên tục với tần suất ngày càng lớn. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã mở rộng và có nguy cơ tiếp tục mở rộng áp dụng tại tất cả các nền kinh tế bao gồm các quốc gia đang phát triển, không chỉ dừng lại ở chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, mà còn là chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, chống gian lận trong chuyển tải đầu tư,…

“Do đó, năm 2018 và 2019 có thể nói là năm của các nhiệm vụ về phòng vệ thương mại, với hàng loạt đề án, chiến lược, kế hoạch lớn được xây dựng và ban hành, triển khai thực hiện liên tục”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá.

Cũng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Đồng thời, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Cũng nằm trong kế hoạch thực hiện có hiệu quả Đề án“Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”  của Chính phủ, Tổng cục Hải quan cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm  tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan các nước và Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á- Thái Bình Dương  (RILO) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để kịp thời thu thập thông tin và phối hợp xác minh C/O có dấu hiệu gian lận.

Đối với các cơ quan chức năng trong nước, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); các đơn vị thuộc Bộ Công an; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành hàng… để phát hiện sớm các trường hợp gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, qua đó xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến về số lượng, kim ngạch so với cùng kỳ để thực hiện kiểm tra, xác định xuất xứ.

Nguồn: Báo Thương hiệu Công luận
Quảng cáo sản phẩm