Nâng cao năng lực ứng phó với rào cản phòng vệ thương mại trong bối cảnh bảo hộ thương mại gia tăng

15/04/2024 08:19 - 30 lượt xem

Nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; nhằm giúp doanh nghiệp chủ động vượt qua các rào cản về PVTM tại các thị trường xuất khẩu. Ngày 11/4/2024 Cục PVTM - Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực ứng phó với rào cản phòng vệ thương mại trong bối cảnh bảo hộ thương mại gia tăng” tại TP Hồ Chí Minh. Hội thảo đã diễn ra với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội và văn phòng luật sư.

 

Phát biểu khai mạc, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) cho biết thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, song song với đó là chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có các FTA thế hệ mới có quy mô thị trường rộng lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…Việc tham gia các FTA tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường thế giới. Tuy nhiên, song song với việc hiện diện ở nhiều quốc gia thì hàng hóa Việt Nam cũng gặp nhiều biện pháp PVTM từ các thị trường nhập khẩu. Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tính đến hiện tại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 247 vụ việc điều tra liên quan đến PVTM. Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, hiện các vụ việc điều tra PVTM không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời…mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, giấy bọc thuốc lá, ghim dập…

 

Tại Hội thảo, các báo cáo viên đến từ Cục PVTM – Bộ Công Thương đã chia sẻ một số kinh nghiệm ứng phó với các vụ kiện PVTM; Quy định pháp luật và thực tiễn trong điều tra, tính toán biên độ bán phá giá và lưu ý cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM và hệ thống cảnh báo sớm biện pháp PVTM. Trước xu thế gia tăng điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Cục PVTM thường xuyên cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và phòng ngừa nguy cơ.

 

Các báo cáo viên cũng đặc biệt lưu ý: Khi vướng vào các vụ điều tra PVTM, mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết vụ việc là doanh nghiệp phải chủ động hợp tác đầy đủ, chặt chẽ với cơ quan điều tra ngay từ đầu; bám sát quy trình điều tra, cơ quan điều tra; đoàn kết trong hiệp hội, ngành hàng để bày tỏ quan điểm, ý kiến; phối hợp với các cơ quan Nhà nước như Bộ Công Thương, Cục PVTM nhằm cung cấp các bằng chứng có lợi nhất và giảm thiểu rủi ro khi bị kiện PVTM.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được các báo cáo viên Cục PVTM trao đổi, giải đáp các thắc mắc giúp doanh nghiệp, hiệp hội hiểu rõ hơn về cách thức và quy trình xử lý vụ việc điều tra PVTM; từ đó nắm được những thông tin mới nhất về PVTM, cách xử lý, ứng phó với những vụ việc điều tra PVTM để góp phần bảo vệ quyền và lợi ích cho doanh nghiệp cũng như ngành sản xuất, xuất khẩu trong tình hình hiện nay. Các ý kiến chia sẻ, góp ý của đại biểu tham dự được ghi nhận để xây dựng các chương trình tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu về PVTM trong thời gian tới.

Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại

Quảng cáo sản phẩm