Nga cấm nhập khẩu thủy sản từ EU, Mỹ, Na Uy, Canada và Australia

26/08/2014 12:00 - 590 lượt xem

(vasep.com.vn) Nga vừa đưa ra một lệnh cấm NK thực phẩm từ EU, Mỹ, Na Uy, Canada và Australia do căng thẳng quốc tế xấu đi liên quan đến các biện pháp trừng phạt Nga sau hành động của Nga ở Ukraine và mối liên hệ với vụ nổ máy bay của hãng Malaysia Airlines. Nga đang chuẩn bị để đưa ra một lệnh cấm NK thực phẩm từ các quốc gia hỗ trợ các biện pháp trừng phạt này trong vòng 1 năm.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 7/8/2014. Cá tươi, cá đông lạnh, giáp xác và nhuyễn thể đều bị đưa vào danh sách các sản phẩm bị cấm. Lệnh cấm này sẽ được thực hiện trong 1 năm hoặc cho đến khi các biện pháp trừng phạt Nga được gỡ bỏ.

Chính phủ Nga sẽ theo dõi tình hình để đảm bảo sự cân bằng trên thị trường hàng hóa và ngăn chặn việc tăng giá các sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu, thực phẩm. Chính phủ cũng sẽ tổ chức thực hiện giám sát hoạt động hàng ngày và kiểm soát các thị trường sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu và thực phẩm. Nga cũng sẽ xem xét để phát triển nguồn nguyên liệu và thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường nguồn cung cấp. Danh sách này cũng bao gồm trái cây; các loại hạt; xúc xích; thịt; phô mai, sữa; chế phẩm sữa; và rau.

Trong cuộc họp báo ngày 7/8, Ilya Shestakov, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp, cũng là người đứng đầu Cơ quan Liên bang về thủy sản cho biết "chắc chắn" rằng Nga có thể thay thế nguồn thủy sản NK. Trước khi lệnh cấm được công bố, một lệnh cấm dành cho cá của các quốc gia liên quan đã được thực hiện. "Dựa trên kim ngạch XK hiện tại, nước Nga đang xuất siêu”.

Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp khuyến khích các công ty Nga cung cấp thủy sản cho thị trường trong nước thông qua các hợp đồng quốc doanh, chẳng hạn như cho ưu đãi 15% đối với hợp đồng đó. Công ty nước ngoài gần như không thể thắng thầu trong các hợp đồng cung cấp cho các trường học, nhà tù, bệnh viện và các ngành thuộc diện kiểm soát chính phủ.

Trong bài phát biểu của mình, Shestakov đã đề cập đến cá hồi nuôi. Ông nói rằng Nga có thể thay thế được nguồn cá hồi NK từ châu Âu, gồm các nước sản xuất chính như Na Uy, Scotland và Quần đảo Faroe.

Nga có ngành đánh bắt cá hồi Viễn Đông và ngành cá hồi nuôi phát triển với 2 tập đoàn lớn là Russian Sea Group và Baltic Coast, nhưng vẫn phải NK nhiều. Nga đã từng tuyên bố giảm NK cá hồi, nhưng không thực hiện được.

Na Uy là nhà cung cấp thủy sản chính của Nga và lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số cá hồi và cá nổi. Mặc dù Na Uy không phải là một thành viên của EU, nhưng ngày 31/7/2014, nước này đã khẳng định ý định thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga theo EU và Mỹ. "Na Uy là rất quan trọng đối với Nga, và chúng tôi hy vọng chính phủ Na Uy có quan hệ hợp tác tốt với Nga trong tương lai," Ystmark- Giám đốc Liên đoàn Thủy sản Na Uy cho biết.

Doanh số cá hồi Na Uy sang Nga rất lớn, mặc dù đã giảm so với năm ngoái. Trong tuần 31, từ ngày 28/7 đến 3/8/2014, Na Uy đã bán 1.515 tấn cá hồi nuôi sang Nga, giảm 7,16% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, XK cá hồi của Na Uy sang Nga đạt 47.697 tấn, giảm 11,04% so với cùng kỳ. Nga là thị trường NK cá hồi lớn thứ ba của Na Uy, chỉ sau Ba Lan và Pháp.

Đối với cá trích, Nga là thị trường hàng đầu của Na Uy, NK 30.595 tấn từ tháng Giêng đến tháng Bảy, tăng 9,26% so với cùng kỳ năm trước. Đối với cá thu đông lạnh, Nga là thị trường lớn thứ tư sau Trung Quốc, Nigeria và Hà Lan. Trong 7 tháng đầu năm, Nga NK 6.117 tấn cá thu, giảm 35,24% so với cùng kỳ.

Thống kê về doanh số bán hàng thủy sản của Mỹ cho thấy, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng sẽ có ảnh hưởng đến các công ty của chính nước đó. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Mỹ đã bán 9.292 tấn sản phẩm thủy sản sang Nga, đạt 33,82 triệu USD. Các sản phẩm quan trọng đối với thị trường Nga là cá hồi và trứng cá hồi, cá minh thái, cá tuyết và tôm. Nga phải NK hơn 40% thực phẩm và việc các nhà bán lẻ Nga nhanh chóng chuyển sang các nguồn cung trong nước là chuyện không thể.

Ngân hàng trung ương và các cơ quan chính phủ chuyên trách về chính sách kinh tế cũng cho rằng lệnh cấm NK nhiều thực phẩm có thể làm tăng lạm phát. Lạm phát của Nga đã đạt 7,9% trong nửa đầu năm nay.

Chỉ trong 2 tuần vừa qua, cơ quan kiểm dịch thuộc chính phủ Nga và cơ quan giám sát quyền của người tiêu dùng đã cấm NK thịt bò Rumani, trái cây Ba Lan, rau và thịt lợn Latvia, chế phẩm sữa Ukraina, ngũ cốc, nước trái cây, và cây trồng từ Moldova. Các lô hàng sữa bột và cá Latvia, phô mai Ukraina và tôm đông lạnh của Mỹ đã bị trả lại.

Nguồn: Under Current News

Quảng cáo sản phẩm