Nhật thấy cơ hội từ sự lưỡng lự Việt Nam: Bình thường!

01/04/2015 12:00 - 763 lượt xem

(Doanh nghiệp) - Chúng ta không thể mãi du nhập công nghệ giá rẻ mặc dù sau bao nhiêu năm mang tiếng đầu tư từ nước ngoài khá nhiều nhưng vẫn bị lạc hậu...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã phân tích dưới góc nhìn của mình trước nhận định về việc Nhật Bản tìm cách đầu tư mạnh vào Việt Nam khi nhận thấy sự lưỡng lự trước dòng đầu tư từ Trung Quốc.

PV: - Thưa bà, mới đây báo chí Mỹ có đưa tin về việc Bắc Kinh và Tokyo đều đang dồn đầu tư và viện trợ vào Việt Nam, với mục tiêu gây dựng cơ sở sản xuất giá rẻ tại đây. Nhưng từ năm 2014, khi chính trị giữa VN và TQ căng thẳng và Nhật Bản đã nhận thấy cơ hội từ sự lưỡng lự của Việt Nam trước dòng tiền từ TQ, Nhật Bản đã đẩy mạnh đầu tư vào VN hơn. Bà bình luận gì về điều này?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Tôi nghĩ vốn dĩ người Nhật Bản đã có chính sách “China plus One” (Trung Quốc + 1) từ lâu rồi.

Chính sách này được người Nhật đưa ra rất sớm (khoảng 7-8 năm nay), nhằm để tránh rủi ro trong kinh doanh và họ đã quyết định chọn Việt Nam là điểm đến. 

Với chiến lược Trung Quốc + 1 chính Việt Nam cũng xem đây là một cơ hội đối với Việt Nam khi mà Nhật Bản quyết định điều chỉnh hiệu ứng từ Trung Quốc để tránh sự lệ thuộc quá nhiều của chính Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc.

Trong hướng Trung Quốc +1 thì 1 đó thì Nhật Bản trước hết nhằm vào các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Thái Lan là hai nước kề cận với Trung Quốc cũng sẽ giúp cho người Nhật thuận tiện trong việc gắn chuỗi giá trị của họ với những xí nghiệp họ vẫn còn đóng ở Trung Quốc và những xí nghiệp đóng ở các nước xung quanh.

Ngoài ra Indonesia, Malaysia, Philippines cũng là lựa chọn của Nhật Bản trong chiến lược đó. Tôi cho rằng việc tận dụng thời cơ đó thì không chỉ ở Việt Nam mà các nước Asean cũng đều đang làm như vậy.

Tôi cho rằng chúng ta nên nhìn nhận, tiếp cận ở góc độ này chứ không nên cho rằng vì thấy Việt Nam muốn thoát Trung họ mới đầu tư mạnh vào VN.

Ví dụ như Chiến lược công nghiệp hóa mà Nhật Bản cùng với Việt Nam xây dựng đã hoàn thành từ cách đây 2 năm và đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn và cũng trải qua quá trình đàm phán khá lâu rồi.

Chúng ta cũng không nên nhìn nhận Việt Nam chọn nước này, đi với nước kia là để tỏ thái độ với các nước khác.Việc điều chỉnh chiến lược thì ngay cả Trung Quốc, từng thời gian họ cũng điều chỉnh quan hệ với các nước khác nhau. Cũng có thời gian họ dựa nhiều vào đối tác Nhật Bản nhưng cũng có thời gian họ chuyển sang phía Mỹ…

Nghĩa là, điều này tùy theo quyết định của mỗi nước và tùy theo từng thời kỳ phát triển của mình. Cho nên nếu Nhật Bản có tập trung đầu tư vào Việt Nam cũng là bình thường.

Còn đối với Việt Nam nếu thực sự muốn giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc thì điều đó cũng hoàn toàn chính đáng khi mà Việt Nam trong những năm vừa qua nhập siêu từ Trung Quốc quá cao. Ai cũng thấy và bản thân Trung Quốc cũng thấy rõ điều này.

Tâm lý Việt Nam cố gắng xuất siêu sang các nước khác nhưng rốt cuộc là trong các quan hệ vẫn có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn. Hay việc Trung Quốc trúng quá nhiều dự án tổng thầu EPC (90%) trong khi họ không phải bỏ quá nhiều vốn mà vẫn được sự dụng vốn ngân sách từ Việt Nam.

Cho nên Việt Nam muốn tìm cách thoát khỏi tình trạng đó là đương nhiên. Nếu Trung Quốc bị đặt vào tình huống như Việt Nam thì họ cũng sẽ làm như vậy. Thậm chí họ còn làm sớm hơn Việt Nam chứ không để phụ thuộc đến 90% tổng thầu mới đặt vấn đề tìm cách vượt ra.

Chính vì vậy tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc tìm các đối tác khác nhau trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng quan hệ (TPP, EU, ASEAN, ASEAN +6…) là điều không có gì khó hiểu cả.

PV: - Đồng ý với việc Việt Nam sẽ phải chọn nhiều đối tác, đa phương hóa các quan hệ kể cả trong kinh tế. Nhưng trong câu chuyện này thì giữa hai nhà đầu tư Trung Quốc và Nhật Bản Việt Nam nên chọn ai và với từng đối tác thì chúng ta nên tập trung vào mảng nào để tạo được thế mạnh, thưa bà?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Tôi cho rằng không thể nói được từng trường hợp cụ thể. Nhưng nhìn chung ai cũng thừa nhận đầu tư từ Nhật Bản thường gắn với trình độ công nghệ cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn và tất nhiên giá cả sản phẩm có thể đắt hơn so với đầu tư từ Trung Quốc.

Lâu nay Việt Nam chạy theo chiến lược cạnh tranh bằng giá rẻ cho nên mọi lĩnh vực, kể cả thu hút đầu tư cũng ham nhận các đầu tư khai thác ở Việt Nam yếu tố giá rẻ. Ví dụ như hàng dệt may xuất khẩu, giày dép đang tận dụng yếu tố giá rẻ ở Việt Nam.

Bây giờ Việt Nam phát triển hơn và nhất là sức ép cạnh tranh khi hội nhập thì buộc phải thay đổi tất cả chiến lược phát triển của mình kể ở tầm quốc gia cũng như quy mô của các doanh nghiệp.

Điều này có nghĩa phải hướng đến những công nghệ cao hơn để Việt Nam có thể đền gần hơn, bớt đi khoảng cách công nghệ với thế giới.

Cho nên chúng ta không thể mãi du nhập những nguồn công nghệ giá rẻ mặc dù sau bao nhiêu năm mang tiếng đầu tư từ nước ngoài khá nhiều nhưng Việt Nam vẫn bị lạc hậu tới hàng 2-3 thế hệ so với các nước xung quanh.

Trong tình huống đó thì Việt Nam phải lựa chọn. Nếu Trung Quốc có những thiết bị, công nghệ chứng minh được có sức cạnh tranh với quốc tế với tầm công nghệ cao thì Việt Nam vẫn có thể lựa chọn nhận đầu tư từ Trung Quốc.

Nhưng nhìn chung một điều rõ ràng, ai cũng thấy trình độ công nghệ của Nhật Bản cao hơn so với đầu tư từ Trung Quốc hay từ các nước đang phát triển vì Nhật Bản là nước công nghiệp hóa từ bao nhiêu năm nay.

Trình độ công nghệ cao của Nhật Bản cũng đã được cả thế giới công nhận. Như vậy Việt Nam muốn phát triển tới một trình độ công nghệ tốt hơn thì lựa chọn Nhật Bản là đương nhiên.

PV: - Vậy ở thời điểm này theo ông bà điểm thu hút của Việt Nam với Trung Quốc và Nhật Bản là gì?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Có lẽ giá nhân công rẻ là điểm hút lớn nhất từ Việt Nam đối với các nhà đầu tư muốn tìm đến chứ không riêng gì Trung Quốc và Nhật Bản.

Thời gian gần đây môi trường đầu tư của chúng ta cũng đang dần được nâng cấp, nhất là khi chúng ta quyết định tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ có nhiều cải cách trong thể chế.

Riêng với Nhật Bản cũng có những điểm thuận lợi bởi trong đường hướng phát triển của Việt Nam ngay cả chiến lược phát triển 10 năm hướng đến năm 2020 cũng xác định biến Việt Nam thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ngay trong chiến lược này cũng hàm nghĩa Việt Nam muốn phát triển theo hướng công nghệ cao hơn rồi.

Điều này có nghĩa Việt Nam mong muốn trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và việc tiếp cận với những công nghệ tiên tiến là đương nhiên.

Nhưng ai cũng có thể hiểu ước muốn là một chuyện còn làm được đến đâu lại là chuyện khác không phải lúc nào mong muốn là có thể làm được ngay.

PV: - Vậy vấn đề chủ quyền kinh tế của Việt Nam nhìn nhận từ chuyện này ra sao và Việt Nam nên tận dụng các thời cơ thế nào để nâng cao cái gọi là chủ quyền kinh tế này, thưa bà?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang trong xu thế hội nhập với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư trên mọi phương diện đang được thực hiện.

Thực sự Việt Nam hiện nay đâu chỉ hướng tới một mình Nhật Bản? Khi đàm phán TPP Việt Nam hướng tới 11 quốc gia thành viên khác; hay như khi đàm phán với Hàn Quốc thì Việt Nam cũng muốn có thêm đầu tư từ nước này. Rồi khi đàm phán với (EU) cũng có những đòi hỏi rất cao… thì có thể thấy rằng Việt Nam đang hướng tới các nước có công nghệ tiên tiến ở châu Âu.

Ở đây phải thấy rằng con đường của Việt Nam rộng hơn, chọn lựa các đối tác khác nhau trên phương diện 2 chiều.

Tôi cho rằng chúng ta không nên nghĩ Việt Nam sẵn sàng lao vào Nhật Bản mà quan tâm vào các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên trong mọi tình huống, VN phải giữ được độc lập của mình.

Độc lập ở đây không phải như thời xưa mà bây giờ độc lập trước hết là thể hiện trên phương diện kinh tế. Từ kinh tế nó ảnh hưởng tới cả chính sách, quan hệ chính trị cho nên nếu để phụ thuộc quá vào bất cứ nước nào cũng không tốt.

Nên theo đổi phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa là như vậy. Thế giới hiện nay là thế giới đa cực nên mình phải có một số đối tác quan trọng.

Hiện Chính phủ xác định đường hướng kinh tế đối ngoại là đa phương hóa, đa dạng hóa là rất đúng. Quan trọng hiện nay là phải có môi trường tốt để các nhà đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện tốt ở trong nước để các doanh nghiệp có thể vươn tới trình độ cao hơn. Lao động của Việt Nam có thể làm việc ở những lĩnh vực đòi hỏi trình độ tay nghề cao hơn.

Chúng ta phải làm được để có môi trường thuận lợi mà mỗi khi nhà đầu tư tìm đến sẽ không chỉ lao động giá rẻ mà phải là có đội ngũ công nhân tay nghề cao. Có như thế Việt Nam mới dần tạo được thế mạnh vững chắc, độc lập chủ quyền trong kinh tế.

Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Nguồn: Báo Đất Việt
Quảng cáo sản phẩm