Nông sản Việt Nam trước ngưỡng cửa thương mại công bằng

25/08/2008 11:04 - 1791 lượt xem

Sự kiện hai công ty sản xuất, kinh doanh chè vận động nông dân trồng chè hữu cơ để tiêu thụ thông qua kênh phân phối thương mại công bằng quốc tế (FLO) đã mở ra cơ hội cho người nông dân và sản phẩm mang tên chè Việt.

Khái niệm thương mại công bằng (fair-trade) đã được nhắc đến từ lâu nhưng việc thực hiện vẫn gặp nhiều rào cản, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh nông sản. Vì vậy, làm thế nào để giá nông sản cao hơn, ổn định hơn, sản phẩm không chứa hoá chất độc hại, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng với những gì đã bỏ ra,... là những điều mà thương mại công bằng hướng đến. 

Thương mại và sự tôn trọng con người, thiên nhiên

Thương mại công bằng thực chất là sự hợp tác đặt trên nền tảng của đối thoại, minh bạch, sự tôn trọng đối với con người và môi trường tự nhiên. Thương mại công bằng góp phần vào sự phát triển bền vững bằng cách đề ra những điều kiện thương mại lành mạnh hơn và bảo đảm quyền lợi của các nhà sản xuất và công nhân.

Nói đến thương mại là nói đến giá cả. Giá các sản phẩm trong hệ thống thương mại công bằng không phải được ấn định một cách tùy tiện, mà là qua đối thoại, qua nỗ lực hiểu thấu yêu cầu, đòi hỏi của người tiêu thụ và người sản xuất để thỏa thuận với nhau về giá một cách tương xứng, công bằng. Nhà sản xuất và người tiêu thụ không ra khỏi thị trường tự do, nhưng đây là thứ tự do biết dừng lại tại nơi tự do của người khác bắt đầu.

Thương mại công bằng đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển về mặt xã hội, kinh tế và môi trường của các nhà sản xuất và chủ đất quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển. Các sản phẩm thương mại công bằng gồm hàng dệt may, đồ trang sức, nhạc cụ bản địa, vật trang trí và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, cộng với đồ thực phẩm như càphê, chè, mật ong, các loại hạt và gia vị. Kênh phân phối thương mại công bằng quốc tế (The Fair Trade Labelling Organization lnternational-FLO) chịu trách nhiệm điều phối các nhãn mác thương mại công bằng và các tổ chức cấp giấy chứng nhận trên toàn thế giới. Có hai bộ tiêu chuẩn chung đối với người sản xuất: một cho trang trại nhỏ, được tổ chức trong hợp tác xã hay trong các tổ chức khác với một cấu trúc dân chủ và tham gia tự nguyện; và một bộ khác cho công nhân làm việc trong các đồn điền và nhà máy. Bộ tiêu chuẩn thứ hai áp dụng cho người lao động có tổ chức, được chủ sử dụng lao động trả lương thích đáng, đảm bảo quyền tham gia công đoàn và được cung cấp chỗ ở một cách thích đáng.

Hơn thế nữa, thương mại công bằng còn chống lại sự bành trướng và bất công trong buôn bán của các công ty đa quốc gia. ở các nước đang phát triển, phong trào này hỗ trợ người sản xuất bằng cách xác định một giá công bằng cho sản phẩm của họ, tổ chức các nhóm để nâng cao năng lực sản xuất và xúc tiến thị trường. ở các nước đã phát triển, phong trào này hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo thương mại công bằng. Lúc đầu thì kêu gọi người tiêu dùng mua với một giá cao hơn để giúp người sản xuất ở các nước đang phát triển, sau đó tìm biện pháp để cải tiến chất lượng và người tiêu dùng trả giá đúng với chất lượng của hàng hóa. Thường thì các tổ chức phi chính phủ giúp nông dân thực hiện các công việc này.

4 tiêu chuẩn của FLO

1. Phát triển xã hội: FLO đòi hỏi tổ chức sản xuất nhỏ áp dụng tiêu chuẩn của mình phải chứng minh nguồn thu từ thương mại công bằng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội cho những người nông dân sản xuất nhỏ.

2. Phát triển kinh tế: Tổ chức phải đảm bảo có đầy đủ cơ sở vật chất về hậu cần và liên lạc, áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật đối với các sản phẩm của mình, nhất là các sản phẩm xuất khẩu.

3. Yêu cầu về môi trường: Tổ chức phải thực hiện việc quản lý sản xuất (quản lý đồng ruộng, sử dụng nguồn đất, nguồn nước, sử dụng phân bón, hoá chất và các kĩ thuật canh tác...) nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên.

4. Điều kiện lao động: Không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, tạo quyền tự do đàm phán tập thể, bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và sức khoẻ cho người lao động.

FLO là tổ chức quốc tế về dán nhãn thương mại công bằng; hoạt động với mục tiêu cải thiện đời sống cho nông dân sản xuất nhỏ. Tổ chức này đã có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới và đã cấp 611 giấy chứng nhận về FLO toàn cầu.

Chè Việt với thương mại công bằng

Trên thực tế, khái niệm thương mại công bằng vẫn còn khá xa lạ với người sản xuất, kinh doanh nông sản Việt Nam. Dù được sở hữu nhiều loại nông sản có giá trị nhưng nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi khi phải bán hàng hoá với giá thấp; trong khi giới kinh doanh chỉ cần một vài động thái nhỏ đã có thể nâng giá sản phẩm lên cao ngất ngưởng. Mới đây, Công ty TNHH Hiệp Thành và ECOLINK (có trụ sở tại Hà Nội) đã định hướng cho người trồng chè sản xuất chè hữu cơ và tiêu thụ thông qua FLO. Đây có thể coi là tin vui cho những người trồng chè.

Nhằm giải quyết vấn đề chất lượng và thương hiệu, Hiệp Thành và ECOLINK đã xây dựng mô hình thí điểm nhóm hộ sản xuất chè hữu cơ tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên - Thái Nguyên) đảm bảo tiêu chuẩn quy định của thương mại công bằng (FLO-Cert).

Hiện hai công ty đang tiếp tục mở rộng mô hình với một nhà máy chế biến chè xanh công suất 3 tấn tươi /ngày, 2 vườn ươm có thể sản xuất 25 vạn bầu /năm tại Bản Liền (Bắc Hà - Lào Cai). Tại đây cũng hình thành HTX gồm 228 nông dân, được chia thành 9 tổ, nhóm sản xuất. Xã viên được đào tạo về nông nghiệp hữu cơ, quy trình tạo phân ủ hữu cơ, kĩ năng làm việc tập thể, kĩ năng tổ chức nhóm HTX chè hữu cơ, bao gồm 9 ban chủ nhiệm và có hệ thống kiểm soát nội bộ 12 người đã được đào tạo, được Tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế ICEA Italia công nhận.

Trong hai năm, hệ thống này đã tổ chức 4 đợt thanh tra nội bộ và phối hợp thực hiện 2 đợt thanh tra quốc tế về quy trình sản xuất hữu cơ của các xã viên nhằm mục đích có chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu về thực phẩm hữu cơ cho chè Bản Liền. Năm 2007, mẫu chè hữu cơ Bản Liền đã được một số khách hàng Nhật Bản, Mỹ chấp nhận và kí hợp đồng bao tiêu. Theo ông Vàng A Cột, Chủ nhiệm HTX chè hữu cơ Bản Liền, trong năm 2007, tổng giá trị sản phẩm chè do HTX làm ra lên tới 292 triệu đồng, nâng thu nhập của hộ nông dân từ 730.000 đồng /năm lên 1.630.000 đồng /năm.

Mặc dù sản phẩm chè hữu cơ được đưa vào FLO hiện nay chưa lớn (mỗi năm CLB chè hữu cơ Tân Cương sản xuất 5, 5 tấn chè búp khô cộng thêm 25 tấn tại Bản Liền) nhưng bước đầu đã vạch ra hướng đi có thể giải quyết những bất cập, tồn tại bấy lâu nay ở các vùng chè. Mục tiêu của Hiệp Thành và Ecolink là xây dựng những vùng sản phẩm có chất lượng đồng bộ, kết hợp thương hiệu quốc tế có sẵn để nông dân có thể yên tâm hơn về đầu ra. Đặc biệt, khi sản phẩm được bán tại kênh FLO, các tổ chức sản xuất thuộc thươngmại công bằng sẽ được trả thêm một khoản tiền phúc lợi ở mức 7-15% nhằm cải thiện cuộc sống người lao động. Hiện Hiệp Thành và Ecolink đang tiếp tục tạo các mô hình cho chè IPM và cam kết bao tiêu tại các tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang... Hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu để ngày càng có nhiều nông sản Việt được công nhận đúng giá trị.

Mục tiêu của Hiệp Thành và Ecolink là xây dựng những vùng sản phẩm có chất lượng đồng bộ, kết hợp thương hiệu quốc tế có sẵn để nông dân có thể yên tâm hơn về đầu ra. Đặc biệt, khi sản phẩm được bán tại kênh FLO, các tổ chức sản xuất thuộc thương mại công bằng sẽ được trả thêm một khoản tiền phúc lợi ở mức 7-15% nhằm cải thiện cuộc sống người lao động.

15/07/2008

 

Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn

Quảng cáo sản phẩm