Nông sản Việt từng bước đặt chân vào những thị trường khó tính

29/03/2024 04:55 - 3 lượt xem

Hiện nay, cả nước đã xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi nông lâm thủy sản an toàn với khoảng 2500 chuỗi; triển khai chứng nhận các nguồn nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP như vùng trồng rau quả hiện được trên 217 nghìn ha, vùng nuôi trồng thủy sản trên 9 nghìn ha.

 

Hiện nay, nhiều thị trường nhập khẩu nông sản, thực phẩm đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) theo hướng toàn chuỗi, đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu. Điển hình có thể kể đến các quy định kỹ thuật mới đáng chú ý gần đây liên quan đến hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chia sẻ.

"Trung Quốc hiện quản lý doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248 và Lệnh 249. Họ còn đưa ra nguyên tắc phân loại rủi ro. Họ chia thực phẩm thành hai nhóm là nhóm có nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Khi xuất khẩu vào Trung Quốc thì các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có nguy cơ cao bên cạnh việc phải đăng ký trên website của Trung Quốc thì còn phải được sự giới thiệu đăng ký của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. 

 

Đối với thị trường Liên minh châu Âu, thống kê năm 2023, thị trường này có trên 100 thông báo và dự thảo lấy ý kiến về các biện pháp ATTP, kiểm dịch động vật. Ngay đầu năm 2024, châu Âu cũng ban hành quy định mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật áp dụng đối với nông sản nhập khẩu và đẩy mạnh kiểm tra ATTP đối với nhóm hàng này. Cụ thể, các mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu vào châu Âu sẽ chịu sự giám sát cửa khẩu là ớt chuông, mì ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Cũng tại quy định này thì đậu bắp và thanh long cũng thuộc diện kiểm tra với tần suất tương ứng là 50% và 20%".

 

Việt Nam hiện đã có những quy định chặt chẽ nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Đình Truyên, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới Bộ đã có kế hoạch tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm chất lượng ATTP trong chế biến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

"Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong sản phẩm nông thủy sản. Thứ hai là tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân lực thực thi công tác chất lượng ATTP các cấp. Thứ ba, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với các thành phố Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ để bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, giao thương các tỉnh và thành phố.

 

Tiếp tục tổ chức, cập nhật thông tin dữ liệu về chất lượng ATTP để có một nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý cũng như điều phối về hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Sẽ thực hiện điều tra thống kê trên cả nước, bắt đầu từ tháng 5 năm 2024 trên các nhóm ngành chủ lực là thủy sản, thịt gia súc gia cầm, rau quả, gạo, trà, cà phê. Hoạt động này sẽ được kết thúc vào tháng 11 năm 2025".

 

Theo Bộ NN&PTNT, kết quả quản lý ATTP thời gian qua đã có một số kết quả tích cực. Đến nay, cả nước đã xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi nông lâm thủy sản an toàn với khoảng 2500 chuỗi; triển khai chứng nhận các nguồn nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP như vùng trồng rau quả hiện được trên 217 nghìn ha, vùng nuôi trồng thủy sản trên 9 nghìn ha. Về hoạt động kiểm soát và chế biến sản xuất thực phẩm trước khi xuất khẩu, các cơ sở sản xuất kinh doanh được kiểm tra và chứng nhận điều kiện ATTP có sự gia tăng khi đạt 99%. Tổ chức lấy mẫu ATTP ở các doanh nghiệp chế biến cũng như các vùng nguyên liệu đạt trên 97%.

 

Ngành nông nghiệp luôn xác định mục tiêu gia tăng năng lực, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu để có thể mở rộng thị trường, trong đó có những thị trường cực kỳ khó tính. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh ATTP, xuất khẩu hàng hóa an toàn và bền vững luôn được quan tâm đặc biệt.

 

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Quảng cáo sản phẩm