Phòng vệ thương mại: Năng lực đi kiện còn yếu

03/02/2016 12:00 - 1277 lượt xem

(HQ Online)- Nền kinh tế càng hội nhập, DN càng đứng trước nhiều thử thách, cạnh tranh và câu hỏi khi nào nên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) càng cần được DN quan tâm, lưu ý.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), các DN nên tính đến các công cụ này khi nhận thấy đủ điều kiện cần thiết để sử dụng.

Bà đánh giá như thế nào về việc sử dụng các công cụ PVTM của DN Việt Nam hiện nay?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng có một nghiên cứu về tình hình sử dụng công cụ PVTM gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của các DN Việt Nam cũng như xét trong tương quan với việc DN Việt bị kiện ở nước ngoài. Kết quả cho thấy, DN Việt Nam mới chỉ 4 lần áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ mình, gồm 1 lần sử dụng công cụ chống bán phá giá, 3 lần áp dụng biện pháp tự vệ và chưa có lần nào đối với chống trợ cấp. Trong khi đó, các ngành sản xuất trong nước đã bị kiện 70 vụ chống bán phá giá, 17 vụ kiện tự vệ và 7 vụ chống trợ cấp ở nước ngoài. 

Ở nước ngoài, ngoài 70 vụ họ kiện chống bán phá giá đối với DN Việt Nam, họ còn kiện gấp nhiều lần với các quốc gia khác, cho thấy sự chênh lệch về quan điểm sử dụng các công cụ PVTM giữa DN Việt và DN nước ngoài.

Con số 70 vụ kiện chống bán phá giá đối với DN Việt cho thấy các DN nước ngoài sử dụng rất nhuần nhuyễn công cụ này trong khi chưa nhiều DN Việt quan tâm. Vậy đâu là rào cản, thưa bà?

Chúng tôi có thực hiện điều tra đối với các DN để tìm hiểu nguyên nhân gì cản trở DN sử dụng công cụ PVTM. Kết quả cho thấy nguyên nhân cơ bản là vì DN không hiểu biết sâu về các công cụ này. Tuy nhiên, mặc dù không biết sâu về các biện pháp PVTM nhưng 60-70% DN đã biết về công cụ PVTM, thậm chí khi được hỏi “nếu gặp khó khăn trước hàng hóa NK từ nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh DN có tính đến sử dụng các biện pháp PVTM”, ¼ DN đã trả lời là có. Kết quả từ điều tra cho thấy, điểm vướng nhất của DN là năng lực đi kiện, tức là họ biết về công cụ này nhưng không có cách nào để sử dụng công cụ này một cách hiệu quả.

Kiện PVTM không phải là công cụ miễn phí. Để sử dụng công cụ này, các DN phải góp tiền để thực hiện các bước theo quy trình của vụ kiện, đặc biệt là có tiền trong việc tập hợp bằng chứng, thuê luật sư cùng nhiều vấn đề khác. Có tới 70% DN nói rằng họ rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực để thực hiện việc đi kiện.

Theo bà, khả năng của luật sư trong các vụ kiện để đảm bảo thắng kiện có là yếu tố mà DN còn cân nhắc không?

Kiện PVTM là vụ kiện mang tính kỹ thuật, chuyên môn cao, đối với Việt Nam lại là vấn đề mới nên chúng ta cũng khó kỳ vọng là có một đội ngũ chuyên gia tư vấn, luật sư chuyên nghiệp, sẵn sàng cho những vụ kiện PVTM chuyên sâu để có thể giúp DN chuẩn bị đầy đủ chứng cứ đi kiện. Nhưng cũng không nên quá bi quan vì qua theo dõi, chúng tôi thấy, đội ngũ luật sư và chuyên gia tư vấn về kiện PVTM của Việt Nam đang được tôi luyện. “Nguồn cải thiện” chính là ở những vụ kiện mà Việt Nam đã bị kiện ở nước ngoài. Những luật sư Việt Nam từng phối hợp những luật sư nước ngoài trong 70 vụ kiện chống bán phá giá, 17 vụ kiện tự vệ hay 7 vụ trợ cấp đã được đào tạo, kinh qua về những vấn đề này. Khi cần áp dụng, tôi tin rằng các luật sư và chuyên gia tư vấn họ biết cách để hỗ trợ cho DN. Đây là vấn đề cần tiếp tục được cải thiện trong trương lai nhưng không có nghĩa hiện chúng ta không có nguồn tư vấn đủ chuyên môn và kỹ năng để hỗ trợ các DN.

DN thường cân nhắc lợi ích và thiệt hơn khi tiến hành một vụ kiện. Quan điểm của bà như thế nào trong vấn đề này?

Trong 1 vụ kiện PVTM, có hai kết quả xảy ra. Một là DN thắng kiện và được lợi. Hai là DN không đạt được kết quả là áp dụng biện pháp PVTM. Trong trường hợp thứ hai, về nguyên tắc, DN đi kiện không mất gì cả, cái mất là những chi phí để theo kiện. Tuy nhiên, tôi muốn nói một câu chuyện khác, đấy là công cụ PVTM được sử dụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành sản xuất nội địa sản xuất ra sản phẩm liên quan nhưng cũng đồng thời ảnh hưởng đến lợi ích của ngành khác hoặc lợi ích của người tiêu dùng. Những lợi ích này là lợi ích cần phải cân nhắc.

Thứ hai là từ góc độ cơ quan điều tra, cơ quan quyết định những vụ việc. Họ cũng có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật là phải cân đo đong đếm lợi ích không chỉ của các ngành sản xuất nội địa có liên quan mà còn là lợi ích của các bên khác có liên quan.

Bà đánh giá như thế nào về yêu cầu sử dụng công cụ PVTM trước bối cảnh hội nhập hiện nay?

Khi Việt Nam hội nhập sâu vào các hiệp định thương mại tự do, hàng rào thuế quan của hàng hóa nước ngoài NK vào Việt Nam hầu như được dỡ bỏ sẽ khiến DN đứng trước nguy cơ lớn hơn trong việc hàng hóa nước ngoài NK ồ ạt hoặc cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường Việt Nam. Khi đó, các công cụ mà DN có thể sử dụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình là PVTM nên chúng tôi mong các DN tính đến các công cụ này khi nhận thấy đủ điều kiện cần thiết để sử dụng.

Tuy nhiên, DN hiện nay còn vướng nhiều lí do để có thể thực hiện được việc đi kiện ví dụ như không có tiền, khả năng tập hợp lực lượng kém hay không thể tiếp cận được thông tin. Mỗi bất cập đều cần có biện pháp khắc phục khác nhau. Giải pháp từ góc độ DN là phải chủ động tìm kiếm thông tin. Thông tin ở Việt Nam không thiếu nhưng DN cần tìm kiếm thông tin như thế nào. Thứ hai là Nhà nước và các cơ quan như VCCI hay các hiệp hội phải cung cấp thông tin cho DN về các biện pháp PVTM. Ngoài những thông tin chung mang tính kỹ thuật về PVTM này, các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cũng cần có cơ chế công bố và giúp DN tiếp cận thông tin thuận lợi hơn sao cho không quá tải cho cơ quan Nhà nước nhưng cũng hỗ trợ được DN trong việc chứng minh thiệt hại của ngành sản xuất, phục vụ vụ kiện.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Hải Quan Online
Quảng cáo sản phẩm